Cơ cấu kinh tế TP Bạc Liêu những năm gần đây có sự chuyển dịch và phát triển theo hướng giảm về tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản, nhưng tăng mạnh về tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Trong đó, cơ cấu thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 48,20%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42,12%, nông nghiệp - thủy sản 9,68%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP trong 5 năm đạt 28.822 tỷ đồng, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 1.402 tỷ 278 triệu đồng, với 428 công trình.
Bà Đỗ Ái Lam - Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, năm 2022, ngành du lịch địa phương đón hơn 2,3 triệu lượt khách, đạt 118% so với kế hoạch, tăng 87% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch 2.300 tỷ đồng, đạt 104,5% so với kế hoạch, tăng 87,7% so với cùng kỳ.
TP Bạc Liêu đang từng bước phát triển kinh tế theo hướng khai thác những tiềm năng vốn có. Mà trong đó, văn hóa địa phương đặc trưng của Bạc Liêu được lựa chọn làm điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch.
Theo bà Đỗ Ái Lanh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Bạc Liêu, tiềm năng du lịch của TP vẫn chưa khai thác hết, trong đó còn nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo bà Lanh, kết nối hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa TP Bạc Liêu với các tỉnh, thành trong nước. Các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn đơn điệu, buồn tẻ. Năng lực chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự trong phục vụ du lịch chưa cao.
Bên cạnh đó, do chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm nên công tác vận động, thu hút, kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP còn hạn chế. Đáng chú ý, lực lượng nhân sự là cán bộ phụ trách du lịch các xã phường đều là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo kiến thức chuyên sâu về du lịch, dịch vụ.
Bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch
Để đưa du lịch trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của TP Bạc Liêu, ngành du lịch địa phương cần chuẩn bị một chiến lược lâu dài, tận dụng ưu thế vốn có, khắc phục hạn chế.
Theo đó, ngay trong năm 2023 các cơ quan ban ngành của TP sẽ cùng thực hiện đồng bộ giải pháp trọng tâm mang tính chủ đạo. Cụ thể, sẽ xây dựng hoàn chỉnh các tour du lịch, kết nối những điểm du lịch lại với nhau. Trong đó, chú trọng giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch bằng các hoạt động tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng. Xây dựng các tour du lịch tâm linh kết nối tham quan đình, chùa, miếu được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Tổ chức những lễ hội văn hóa dân gian để thu hút, giữ chân du khách, đặc biệt là tour du lịch văn hóa tâm linh Quan âm Phật đài; vận động Ban trị sự khu du lịch này định kỳ mỗi tuần tổ chức lễ cầu bình an vào buổi tối (2 ngày/tuần), nhằm thu hút lượng lớn du khách theo đạo Phật trong và ngoài tỉnh về tham dự.
Mặt khác, xây dựng các tour du lịch nội tỉnh, liên vùng nhằm kết nối với những điểm du lịch, di tích như: Điện gió Hòa Bình, Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Nhà thờ Tắc Sậy, Chùa Ghôsitaram (chùa Cù Lao), Chùa Giác Hoa, Cánh đồng Hoa Huỳnh, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời hình thành sản phẩm du lịch gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội Dạ cổ hoài lang, Oóc om bóc, Kỳ yên… chú trọng xây dựng các tour lễ hội, kết hợp với tham quan điểm du lịch tiêu biểu và thưởng thức những món ăn đặc sắc.
Ngoài tận dụng ưu thế của các lễ hội dân gian, TP Bạc Liêu sẽ xây dựng tour du lịch tham quan Cụm nhà Công tử Bạc Liêu và 9 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long. Kèm theo đó, sẽ kết hợp nghỉ dưỡng, mua sắm, ăn uống, xem ca cải lương, đờn ca tài tử tại Nhà hát Cao Văn Lầu và tham gia những trò chơi dân gian, sinh hoạt vui chơi, giải trí trên Quảng trường Hùng vương.
Địa phương cũng xây dựng tour “Trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của cư dân vùng ven biển” để du khách trải nghiệm cảm giác là một ngư dân miền biển khi bơi xuồng, câu cá, đổ đó, bắt tôm hoặc bắt nghêu trên bãi bồi ven biển. Các tour này được kết hợp tham quan nhà máy điện gió, vườn nhãn, vườn chim… thưởng thức món ăn ngon được chế biến từ hải sản, đặc biệt là từ con tôm Bạc Liêu.
Khai thác tốt hướng du lịch cộng đồng, tạo nhiều tour để khách du lịch khám phá nét văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer và khu du lịch cộng đồng vườn nhãn Bạc Liêu như: Tham quan Chùa Xiêm Cán và nghe nhạc ngũ âm, xem hát Dù kê, xem múa Apsara, múa Rom vong, Sarawan, múa gáo… mang đậm bản sắc dân tộc Khmer kết hợp với tham quan vườn nhãn Bạc Liêu, trải nghiệm cuộc sống của các hộ dân địa phương với nghề trồng rẫy, nuôi tôm, nuôi cá, thưởng thức những món ăn truyền thống của người Khmer.
Song song, TP đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác du lịch tại Vườn chim Bạc Liêu, trong đó gồm xây dựng quán ăn, resort, các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng… Mặt khác, đang nghiên cứu phát triển chiến lược du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp qua khai thác hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu kèm các dịch vụ ẩm thực, mua sắm.
"Địa phương xây dựng tuyến lộ bên trong vườn nhãn, hình thành đội xe ngựa phục vụ du khách tham quan toàn tuyến vườn nhãn và tham quan cây xoài cổ kết hợp với thưởng thức đặc sản địa phương, nghỉ dưỡng tại các homestay tại đây” - bà Đỗ Ái Lam cho biết thêm.
Bạc Liêu là TP tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu, được hình thành từ thời Pháp thuộc. TP nằm ở phía Đông của tỉnh, bên bờ sông Bạc Liêu, cách biển Đông 10 km. Hiện nay, TP là đô thị loại II có 156,110 ngàn dân với 3 dân tộc chính: Kinh, Hoa, Khmer ở 10 đơn vị hành chính cấp xã (7 phường, 3 xã) được chia thành 67 khóm, ấp. Phân bố trên diện tích tự nhiên 17.538,19 ha; cách TP Hồ Chí Minh 280km, Cần Thơ 117km, cách Cà Mau 67km.