Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố từ 1/1/2024 theo Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của HĐND Thành phố (Nghị quyết 15). Tuy nhiên, đến nay việc thu phí chưa thể thực hiện, vì vướng mắc, phải chờ các Bộ liên quan hướng dẫn.

Để thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ ngày 25/12/2023, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản số 15858/HD-SGTVT gửi thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để hướng dẫn triển khai thực hiện quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Đến ngày 5/1/2024, Sở GTVT tiếp tục có công văn 199/SGTVT-KT gửi các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để triển khai thực hiện.

Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại Thành phố Hồ Chí Minh  phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Ảnh: Tân Tiến.  
Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại Thành phố Hồ Chí Minh  phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Ảnh: Tân Tiến.  

Sau đó đã có UBND các quận: 1, 5, Phú Nhuận và huyện Bình Chánh gửi danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông để gửi các đơn vị liên quan góp ý trước khi ban hành và triển khai thực hiện việc thu phí, và Sở GTVT có công văn thống nhất danh mục của 4 quận, huyện gửi về.

Tuy nhiên, do vướng một số nội dung quy định tại Nghị định 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (HTGTĐB).

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 11, Nghị định 33/2019/NĐ-CP, quy định về phương thức khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB, như sau: “Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu HTGTĐB trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB.

Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB theo phương thức khác với quy định tại các điểm nêu trên của khoản 1 Điều 11, Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập đề án khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh vào mỗi tối có rất nhiều quán nhậu chủ quán tận dụng vỉa hè làm nơi giữ xe cho khách. Tân Tiến.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh vào mỗi tối có rất nhiều quán nhậu chủ quán tận dụng vỉa hè làm nơi giữ xe cho khách. Tân Tiến.

Từ vướng mắc một số nội dung trong Nghị định số 33 nên trên, Sở GTVT đã có tham mưu và ngày 17/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã ký Công văn 291/UBND-ĐT gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính để đề nghị 2 Bộ này hướng dẫn về phương thức và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu HTGTĐB.

Công văn 291, nêu: “Đối với các phương thức khai thác nêu trên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ đều quy định đơn vị được giao quản lý tài sản công lập đề án khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện khai thác. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố. Trong quá trình triển khai và nghiên cứu các quy định liên quan, UBND Thành phố gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật”.

Thành phố Hồ Chí Minh phân ra 5 khu vực, quy định mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại đường trung tâm và các tuyến đường còn lại. Ảnh: Tân Tiến.
Thành phố Hồ Chí Minh phân ra 5 khu vực, quy định mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại đường trung tâm và các tuyến đường còn lại. Ảnh: Tân Tiến.

Cụ thể, lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu HTGTĐB, tuy nhiên phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chưa được quy định tại Luật Quản lý tài sản công và Nghị định 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Như vậy đơn vị được giao quản lý lòng đường và hè phố có phải lập đề án khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

“Để kịp thời thực hiện việc thu phí, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kính đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính sớm hướng dẫn về phương thức khai thác và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố”, Công văn 291 do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nêu.

Trả lời với báo chí, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đến nay Bộ GTVT và Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời. Vì vậy, khi có văn bản hướng dẫn của hai Bộ trên, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND Thành phố để triển khai thực hiện theo hướng dẫn.

 

Theo thống kê của Sở GTVT, Thành phố có 868 tuyến được quy định là đường trung tâm.

Khu vực 1 có 207 tuyến đường. Trong đó, quận 1 (96 đường), quận 3 (31 đường), quận 5 (21 đường), quận 10 (10 đường) và quận Phú Nhuận (trọn đường Nguyễn Văn Trỗi). Số còn lại nằm ở quận 7 với 48 tuyến đường.

Khu vực 2 có 277 tuyến đường. Trong đó, thành phố Thủ Đức (12 đường), quận 6 (37 đường), quận 11 (63 đường), quận Tân Bình (94 đường), quận Bình Thạnh (68 đường), quận Bình Tân (đường Kinh Dương Vương, từ Mũi Tàu đến cầu An Lạc) và quận 7 (2 đường).  

Khu vực 3 có 248 tuyến đường. Trong đó, quận 8 (64 đường), thành phố Thủ Đức (7 đường), quận 12 (1 đường), quận Tân Phú (137 đường) và quận Gò Vấp (39 đường).

Khu vực 4 có 125 tuyến đường. Trong đó, huyện Bình Chánh ngoài 96 đường còn thêm hàng chục con đường nằm trong các khu dân cư Conic, khu dân cư Tân Bình; huyện Hóc Môn (5 đường), huyện Nhà Bè (24 đường).

Khu vực 5 tại huyện Cần Giờ có 11 tuyến đường.