Thành phố lại không ngủ

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ta thường nói TP Hồ Chí Minh là thành phố không ngủ, suốt ngày lẫn đêm vẫn ồn ào sôi động.

Phố đi bộ Bùi Viện nhộn nhịp trong đêm. Ảnh: Lê Ngọc Thảo
Phố đi bộ Bùi Viện nhộn nhịp trong đêm. Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Quay lại nơi đây sau hơn một năm xa cách vì dịch Covid-19, chúng tôi cảm nhận được đường phố, quán xá… đã gần như lấy lại được hoàn toàn sức sống vốn có.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất là sự tấp nập và đông đúc. Chúng tôi gần như chen chúc trên chiếc xe bus ra cổng sân bay; đủ các loại xe hơi, xe taxi đang cố tiến lên để đón khách. Ra hẳn ngoài, chúng tôi gặp rất nhiều người trong vai điều xe (thực chất là dân ngoài vào sân bay làm ăn), xa nữa các xe ôm chờ sẵn mời mọc. Tuy không có cảnh các bác tài bám khách hỏi như ga Hà Nội, nhưng đây cũng là điều lạ ở Tân Sơn Nhất, nơi vốn rất trật tự.

Trên chuyến Grap, anh lái xe cho biết cuộc sống đã trở lại gần như bình thường, “sống chung với dịch”. Anh cho biết thêm, sau một năm giãn cách để chống dịch, nhiều xe Grab vì không hoạt động nên không có tiền cho ngân hàng, xe bị siết nợ nhiều vô kể. Do đó, thời gian này “bắt” xe Grab là hơi khó.

Cuộc sống bình thường cũng chỉ mới trở lại mấy tháng nay, nên điều dễ hiểu là khó khăn vẫn đang ở trước mắt. Tuy nhiên, người phương Nam khi đón khách xa thì không thể thiếu bia rượu. Họ mời chúng tôi vào quán nhậu sân vườn. Mọi người lúc đầu vào vẫn đeo khẩu trang và tất nhiên khi ăn uống thì cởi ra, chuyện trò rôm rả như không có dịch bệnh.

Người dân bắt đầu tổ chức lại công việc. Anh bạn tôi bắt đầu mua máy móc để làm sắt thép, rồi nhận hợp đồng làm nhà tiền chế, cột đèn khu công nghiệp…

Một nhóm bạn trẻ kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng và đất đai bàn nhau chung vốn đầu tư ngay trong bữa nhậu. Một bạn định bán căn chung cư vừa đúng dịp bạn kia đang muốn mua, thế là dắt nhau coi căn hộ xem, rồi quay lại nhậu tiếp.

Buổi sáng, một bạn trẻ là doanh nhân trong lĩnh vực sắt thép dẫn chúng tôi đi ăn sáng, xem căn biệt thự ở khu đô thị Vạn Phúc, Thủ Đức, nơi anh định thuê vừa làm nhà ở vừa làm văn phòng. Anh nói: “Giá nhà đất ở đây tăng chóng mặt từ 20 triệu/m2 nay lên 120 - 200 triệu/m2 tùy vị trí”. Sau đó, anh lượn qua khu dân cư Vĩnh Phú xem đất. Anh cho biết, anh đã đầu tư vài miếng đất ở đây, miếng rộng để ở, miếng để đầu tư…

Ở ngành nghề khác, như ngành y, ngoại trừ việc chữa bệnh đã giảm căng thẳng vì số ca F0 nhập viện đã giảm nhiều thì những hoạt động trước kia vốn bình thường nay đã được mở trở lại. Một bác sĩ cho biết, những lớp dạy chuyên môn khoa ngắn hạn của ông đã mở trở lại, thậm chí với cả lớp đêm. Một chủ bệnh viện tư bắt đầu mua thêm trang thiết bị đắt tiền. Ông còn mời một bác sĩ dinh dưỡng nổi tiếng để mở thêm khoa dinh dưỡng, một vấn đề của thời hiện đại rất đáng được quan tâm.

Ngồi ở một quán bia, rất nhiều người bán vé số cầm xấp vé đến chào mời. Vùng đất phương Nam, nhiều người thích mua vé số như một nét văn hóa. Mua một xấp dày vé số, anh bạn chia cho mỗi người dăm tờ và chúc: Trúng được vài tỷ nhé!

TP Hồ Chí Minh không chỉ được làm nên bởi những thương vụ làm ăn hàng ngàn tỷ kiểu vụ mua đất Thủ Thiêm rồi bỏ cọc mà còn tạo bởi những hoạt động làm ăn rất bình dân, của bà con lao động lam lũ: May mặc, chạy xe ôm, bán vé số, đánh giày, bán hủ tíu gõ… Chỉ khi nào, thành phố đầy đủ những con người này hoạt động trở lại mới thật sự trở nên sôi động.

Nói vậy là bởi, “Thành phố không ngủ” dường như chưa thật sự lấy lại hết sức lực vốn có. Chúng tôi ngồi quán cà phê sân vườn với những mai cổ thụ trị giá mỗi cây hàng trăm triệu đồng. Bình thường quán đông khách nay chỉ lưa thưa người. Ông chủ mang cà phê ra cho khách. Tôi hỏi ông: “Sao quán ế bác? Bác làm quán cho vui thôi chứ mấy cây mai cũng đã nhiều tỷ đồng”. Ông cười: “Làm cho vui, năm dịch bệnh mọi thứ đều lỗ, giờ cũng lỗ. Tui có trung tâm ngoại ngữ lỗ tháng gần trăm triệu”.

Nói rồi ông dặn trà mới pha còn nóng, cần cứ kêu ông rồi nở nụ cười thật tươi. Cuộc sống đầy hy vọng đang mở ra trước mắt.