Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Rốt ráo triển khai

Hồng Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này, trong toàn ngành y tế đã có hơn 30 bệnh viện (BV) triển khai thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) điện tử. Bộ Y tế yêu cầu, trước ngày 31/12/2019, các cơ sở KCB thuộc khu vực đô thị phải triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho người dân, bệnh nhân.

Bệnh nhân chờ khám bệnh và thanh toán viện phí tại Bệnh viện Mắt Hà Đông. Ảnh: Hồng Phong
Hiệu quả bước đầu
BV Ung bướu Hà Nội vừa triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến bằng thẻ khám bệnh. Đây là BV công lập đầu tiên của ngành y tế Thủ đô áp dụng dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt theo chủ trương của Bộ Y tế. Theo đó, các bệnh nhân sẽ được mở tài khoản miễn phí và đăng ký thẻ KCB để thanh toán viện phí. Ông Bùi Vinh Quang - Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội cho biết, thanh toán viện phí bằng thẻ khám bệnh có nhiều lợi ích hơn so với thanh toán bằng tiền mặt như: Giảm thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục thanh toán; thẻ được tích hợp các tính năng của thẻ ATM (có ghi nợ ngân hàng); quản lý, tổng hợp các chi phí, sao kê... qua tin nhắn. Đặc biệt, thẻ khám bệnh còn tích hợp đầy đủ thông tin của người bệnh, được sử dụng trong các lần khám tiếp theo tại BV.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, TP phối hợp với sở, ban, ngành, cơ sở y tế trên địa bàn áp dụng các phương án triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức cung ứng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán tích cực, phối hợp với các cơ sở KCB và cơ quan liên quan trên địa bàn đô thị để chấp nhận thanh toán viện phí bằng phương pháp điện tử. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong việc thanh toán viện phí, giúp giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi thời gian xếp hàng nộp tiền viện phí góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ KCB.
Phó Thống đống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh
Còn tại TP Hồ Chí Minh, BV trường Đại học Y Dược là một trong những đơn vị tiên phong triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với BV và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí. Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại BV và giúp người bệnh thanh toán chi phí KCB trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa. Hiện, số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của BV này.
Đối với BV Từ Dũ, ngoài thanh toán bằng thẻ tích hợp khám bệnh và ATM, bệnh nhân có thể thanh toán qua thẻ ATM, quẹt thẻ qua máy POS. Còn BV Nhi đồng 1 đã triển khai thanh toán qua thẻ KCB cho bệnh nhân tại khu khám theo yêu cầu 2 và thanh toán qua ví điện tử MoMo.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ chỉ đạo các BV triển khai thu viện phí bằng phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bảo đảm triển khai trước ngày 31/12.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm
Theo Bộ Y tế, hiện nay quy trình KCB và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình. Còn những ngày đông bệnh nhân, thời gian sẽ kéo dài hơn, khiến bệnh nhân và người nhà mệt mỏi, BV cũng phải bố trí thêm cán bộ thu tiền và thanh toán viện phí.
Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế Trần Qúy Tường cho biết, cả nước hiện nay có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking và 31 ví điện tử của các tổ chức có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Gần 14.000 cơ sở y tế có sử dụng tài khoản ngân hàng. Ông Tường cho rằng, ở các BV đã triển khai thanh toán qua thẻ, qua mobile, số bệnh nhân áp dụng chưa nhiều, đa số vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt. Riêng các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, chưa thể triển khai phương thức thanh toán này. Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử,… chưa kết nối với nhau, nên chưa tạo điều kiện dễ dàng thanh toán viện phí giữa các đơn vị khác nhau. Bộ Y tế ưu tiên triển khai tại các đô thị, từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa.
Ông Tường cũng cho rằng, để đảm bảo hiệu quả trong triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, BV và các cơ sở KCB phải đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu được lợi ích của nó. BV cũng cần bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng.