Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cách nhìn từ việc tăng học phí

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tăng học phí đại học là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cách nhìn mới về học phí gắn liền với tự chủ đại học đã mang đến thái độ tích cực, thúc đẩy sự nỗ lực, cố gắng của người học, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường.

Các trường ĐH rầm rộ tăng học phí

Trong đề án tuyển sinh ĐH năm 2022, các trường ĐH trên cả nước đã công khai mức học phí để học sinh, phụ huynh tìm hiểu trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng vào trường và đề sinh viên cũ có cái nhìn bao quát về lộ trình tăng học phí của khóa học.

Học phí là một trong các thông tin được thí sinh và phụ huynh tìm hiểu khi đặt nguyện vọng vào các trường ĐH
Học phí là một trong các thông tin được thí sinh và phụ huynh tìm hiểu khi đặt nguyện vọng vào các trường ĐH

Năm học 2022- 2023, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ điều chỉnh học phí từ 350.000 đồng - 1 triệu đồng/tín chỉ. Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) thu học phí 42 triệu đồng và các năm học sau đó sẽ tăng 2 triệu đồng/năm. Hệ đại trà, ngành Dược học (ĐH Dược Hà Nội) thu học phí 24,5 triệu đồng/năm; ngành Hóa Dược thu 18,5 triệu đồng/năm; ngành Công nghệ sinh học và ngành Hóa học áp dụng mức thu 13,5 triệu đồng/năm còn hệ chất lượng cao thu 45 triệu đồng/năm.

ĐH Luật Hà Nội cũng dự kiến mức thu học phí tăng khá cao so với năm học trước. Theo đó, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng - tăng 2,04 lần; học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng - tăng 1,65 lần so với năm học 2021-2022.

Năm học tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính học phí theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021.

 “Giáo dục đại học là một dịch vụ vừa mang tính “công ích” (tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội), vừa mang tính “tư ích” (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân) - cho nên giáo dục đại học nói chung đều phải hoạt động với nguồn thu từ cả công và tư, theo nguyên tắc ai hưởng lợi người đó trả tiền. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nâng học phí luôn phải gắn với nâng chất lượng đào tạo và trách nhiệm giải trình xã hội. Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội thì: “Chúng ta đang trên lộ trình điều chỉnh mức học phí ở mức đúng và đủ, nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của người học để đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng”.

Người học cần tính toán để chấp nhận đầu tư

Có con năm nay đỗ vào ĐH Luật Hà Nội qua phương thức xét tuyển sớm, chị Ngô Thị Mai, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội xác định sẽ cho con đi học, nếu thiếu tiền đóng học phí thì vay. “Gia đình tôi rất khó khăn, trước các con đi học cũng thường vay tín dụng. Tới đây, con học đại học, tôi tiếp tục vay, miễn sao con có cơ hội học tập tốt nhất. Tôi không bắt con sau phải trả nợ nhưng cháu nói với tôi là số tiền nợ, con sẽ có trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi khi có việc làm”- chị Hoa chia sẻ.

Các thông tin tuyển sinh được thí sinh tìm hiểu kỹ
Các thông tin tuyển sinh được thí sinh tìm hiểu kỹ

Hiện nay, nhiều gia đình xác định học phí đại học là một khoản đầu tư lâu dài. Cách nghĩ này đúng và phù hợp, nhất là trong giai đoạn các trường đại học đang thực hiện cơ chế tự chủ. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng dẫn chứng:Ở Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm 2016 bắt đầu một chương trình đào tạo là kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Đầu tiên, nhiều người e dè và không mong muốn học, nhưng lứa đầu tiên ra trường có 30% số em đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm. Điều đó có nghĩa đây là một sự đầu tư đúng đắn… Tuy nhiên, các trường đại học cần có lộ trình tăng học phí phù hợp để xã hội và phụ huynh chấp nhận. Để tạo ra sự công bằng trong giáo dục, vẫn cần có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo và những sinh viên giỏi”.

Trái ngược với quan điểm cho rằng tăng học phí sẽ dẫn đến xu hướng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học đối với người dân có thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội. Nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí. Nếu giữ nguyên mức học phí thấp, vừa suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo, vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, là tăng sự tiếp cận giáo dục đại học”.

“Một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh. Các chuyên gia đưa ra tính toán rằng, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Vì vậy, người học cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai của chính mình…”- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.