Đây không phải là lần đầu tiên môn Lịch sử được đưa vào một kỳ thi quan trọng. Tại kỳ thi THPT quốc gia, trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội có bài thi Lịch sử. Nhưng điều đáng buồn là cả 3 năm qua, trong kỳ thi này có tới 83% số thí sinh có điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình, không ít thí sinh nhận điểm “liệt”. Thậm chí, năm 2015, nhiều điểm thi phải đóng cửa vì không có thi sinh đăng ký thi Lịch sử. Dư luận nhiều lần lên tiếng rằng “dân ta không biết sử ta”, không ít chuyên gia cũng lo ngại và tìm cách “cứu” môn Lịch sử, nhưng sau mỗi kỳ thi điểm môn này thấp vẫn hoàn thấp. Căn nguyên vấn đề có lẽ nằm ở cả phía học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo.Thực tế, phụ huynh thường chỉ động viên con em học tốt các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, hiếm người khuyến khích con phải học tốt môn Lịch sử. Âu cũng bởi nếu có học tốt môn học này, theo ngành nghề trong lĩnh vực sử học như làm nghiên cứu hay giáo viên dạy Lịch sử thì thu nhập cũng chẳng là bao. Cũng vì những lý do này, trong mắt học trò, Lịch sử luôn bị xem nhẹ. Trong khi đó, học sử không phải chỉ là nhớ máy móc các mốc thời gian, sự kiện mà còn đòi hỏi năng lực tư duy của học sinh. Do vậy, không ít học sinh có tâm lý học đối phó với môn học này. Mặt khác, một giờ dạy sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn được xem là tiêu chí cơ bản của việc dạy học Lịch sử. Trên thực tế có nhiều thầy cô dạy đúng, dạy đủ, nhưng tẻ nhạt, kém hấp dẫn, sinh động. Trong những giờ học như thế, học sinh buộc phải học, mất đi sự khám phá, sáng tạo, tư duy. Cách tiếp nhận thụ động như vậy khiến kiến thức môn học trôi đi, giá trị của lịch sử cũng không còn nguyên vẹn.Lịch sử là một bộ môn có sứ mệnh giúp cho một cộng đồng nhận thức chính mình, dân tộc hình thành, ra đời như thế nào, phát triển ra sao, điểm mạnh, điểm yếu. Tất cả các ngành đều cần kiến thức lịch sử kể cả làm lãnh đạo hay làm kinh tế… Do vậy, để thu hút học sinh với môn học này, giáo viên cần sớm thay đổi cách dạy, những quyển sách lịch sử dày đặc chữ cũng cần được điều chỉnh. Chương trình học nhẹ mà hay, có cảm xúc, kết hợp với hoạt động ngoại khóa sẽ tạo điều kiện cho các em học sinh học sâu, nhớ lâu, tạo hứng thú tìm hiểu. Về phía học sinh, các em cũng cần thay đổi cách học thụ động, xóa bỏ những “định kiến” với môn Lịch sử, kết hợp học trong sách vở với thực tế đời sống để môn học trở nên hấp dẫn hơn.