Đề xuất F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly:

Thay đổi để phù hợp với tình hình mới

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đề xuất tạm dừng việc thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày và cho F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly có thể làm việc trực tuyến, F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...

Theo nhận định của Bộ Y tế, đến nay dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trước tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đề xuất tạm dừng việc thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày và cho F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly có thể làm việc trực tuyến, F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương của Bộ Y tế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Dừng thông báo ca mắc Covid-19, tránh gây hoang mang

Theo nhận định của Bộ Y tế, đến nay dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết tỉnh, TP trong tháng qua (với khoảng 50.000 - 75.000 ca/ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi. Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày và hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Nhân viên y tế xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên y tế xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hùng

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, TP, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron. Tại TP Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.

Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh/TP đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn. Trước thực tế trên, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho phép tạm dừng thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày. Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho rằng, để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong tình hình hiện nay, công tác phòng, chống dịch đã bước sang một giai đoạn mới. Việc đo đếm số ca lây nhiễm có thể vẫn hữu ích cho việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược nhưng ý nghĩa thực tiễn rất thấp. Bởi thống kê số ca mắc Covid-19 trong bối cảnh rất nhiều người bị nhiễm và tự khỏi hoặc biết mình bị nhiễm nhưng không khai báo như hiện nay là ít có ý nghĩa, khó chính xác. Đáng nói, việc này lại có thể gây sức ép rất lớn cho việc mở cửa trở lại đời sống kinh tế - xã hội.

“Khi đại đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ thì hãy sống bình thường, làm việc bình thường và phòng, chống Covid-19 bình thường như chúng ta vẫn ứng xử với bất kỳ loại bệnh tật nào khác. Việt Nam không thể đóng cửa vô tận để chờ virus gây bệnh Covid-19 biến mất được. Do vậy, trong tình hình hiện nay, người dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen để thích nghi với cuộc sống bình thường mới” - TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

F0 và F1 làm việc, giải bài toán thiếu hụt lao động

Với đề xuất của Bộ Y tế cho F0 và F1 làm việc, hầu hết các chuyên gia y tế đều đồng tình nhưng cũng cần phân loại F1 để thích ứng linh hoạt. Đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế, PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam cho hay, với tình hình dịch bệnh hiện tại, số lượng bệnh nhân F0 đã quá nhiều, việc cho F1 được tham gia làm việc trực tiếp là điều phù hợp. Một bệnh nhân F0 có thể tiếp xúc và khiến nhiều người thành F1, nếu cứ cho F1 cách ly tại nhà thì nền kinh tế của nước ta chắc chắn sẽ thiếu hụt một số lượng lớn lực lượng lao động.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, đây là đề xuất hợp lý. Bởi hiện số F0 và F1 nhiều nên có thể dẫn tới không có người làm việc tại nhiều cơ quan, DN, nhà máy. Tuy nhiên, chúng ta nới lỏng nhưng không được buông xuôi, phải kiểm soát được rủi ro.

“Các F0, F1 đi làm nhưng vẫn phải thực hiện 5K để giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng. Các trường hợp này không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai). Khi làm việc trong môi trường văn phòng hay công xưởng, nhà máy, xí nghiệp, các trường hợp F1 cũng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn và giữ khoảng cách với các đồng nghiệp” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay, hiện nay, số bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc có thể lớn hơn nhiều so với con số công bố hàng ngày. Chúng ta quan điểm Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm, do vậy các cơ quan Nhà nước phải kiểm soát chặt, cách số ca dương tính. Điều này dẫn tới số ca F0, F1 tăng cao trong cộng đồng, trong khi không hệ thống y tế nào chống lại được sự lây nhiễm của biến thể Omicron. Điều này kéo theo thực trạng thiếu hụt nguồn lao động, nhất là ở một số nhóm ngành đặc biệt như y tế, giáo dục...

Thực tế, có đến 95% số ca mắc Covid-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và hàng triệu F1 đang bị cách ly. Như vậy, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực rất lớn mà những người đó vẫn đang làm việc được. Theo bác sĩ Phúc, với những giải pháp được Bộ Y tế đề xuất, F0, F1 tham gia lao động phải tuân thủ chặt chẽ sẽ vừa đảm bảo an toàn không lây nhiễm, vừa tận dụng nguồn nhân lực trong tình hình dịch hiện nay.

Ở góc độ quản lý, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho rằng, F1 đi làm sẽ giải quyết việc thiếu hụt nhân lực ngay từ cơ quan hành chính, văn phòng chứ chưa nói tới khối sản xuất. Chủ trương của Bộ Y tế phù hợp với mong muốn của các DN, giúp người lao động là F1 đi làm với tâm lý thoải mái hơn, giải quyết thiếu hụt lao động hiện nay.

 

"Hiện cơ bản người dân đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine, các địa phương cũng đang tiêm mũi nhắc lại và mũi bổ sung. Như vậy, các trường hợp F1 đã tiêm ít nhất 2 liều vaccine thì nên cho phép đi làm trực tiếp. Với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc cho các trường hợp này để hạn chế tiếp xúc với những trường hợp khác. Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần." - PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

"Việc để F1 làm việc trực tuyến và trực tiếp sẽ giúp DN đảm bảo được số lượng người lao động duy trì sản xuất, vận hành. Bên cạnh đó, người lao động cũng đảm bảo được thu nhập và đời sống kinh tế gia đình. Tuy nhiên, việc để F1 làm trực tiếp cần có sự ý thức từ người lao động, DN quản lý và chính quyền địa phương. Phải luôn thực hiện đúng quy định 5K để tránh việc F1 thành F0, hoặc bùng phát ổ dịch tập trung sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất của DN." - Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Vũ Khắc Tiệp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần