Tuân thủ tốc độ
Nhằm hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên Hợp Quốc phát động, Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp với Ban ATGT TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng, trong đó có trọng tâm chiến dịch tuyên truyền tuân thủ tốc độ quy định thông qua việc giới thiệu tài liệu tuyên truyền Hãy tuân thủ tốc độ quy định về sự đồng hành của Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies.
Chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe trên toàn quốc về làm chủ tốc độ phương tiện theo quy định khi tham gia giao thông, cảnh báo về nguy cơ gặp phải va chạm giao thông cũng như hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ tốc độ quy định: “Vi phạm chạy quá tốc độ càng cao thì nguy cơ xảy ra va chạm càng tăng và hậu quả va chạm giao thông càng nghiêm trọng”.
Phát biểu tại buổi Lễ phát động, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trước năm 2012, mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì TNGT nhưng đến năm 2022, báo cáo từ Bộ Công an cho thấy mỗi ngày chỉ còn 17 người chết vì TNGT, giảm gần 50% so với 10 năm trước. Kết quả này đạt được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, thiệt hại do TNGT vẫn còn rất lớn, không chỉ về mặt con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với sự phát triển đất nước.
“Ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á, đông đảo người dân hình thành thói quen đi lại bằng xe máy và dần chuyển sang ô tô khi thu nhập gia tăng. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp TNGT cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Uỷ ban ATGT Quốc gia đồng thuận và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên Hợp Quốc phát động, kêu gọi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân thay đổi tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn.
Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức của người dân trong việc đảm bảo ATGT, lực lượng CSGT có trách nhiệm, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng luật, ngoài ra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
“Chúng tôi đề nghị, tất cả trường học trên cả nước, thực hiện giáo dục cho học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh tham gia giao thông xanh, sạch và an toàn. Các đoàn thể chính trị, xã hội vận động các đoàn viên, thành viên đổi mới tư duy tham gia giao thông an toàn” – ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Đổi mới tư duy tham gia giao thông
Tại buổi Lễ phát động, bà Angela Pratt - Trưởng Văn phòng đại diện tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam thông tin, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng cho tai nạn giao thông và Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động này. Đặc biệt, tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ 2 gây thiệt mạng ở trẻ em dưới 15 tuổi tại Việt Nam. Tai nạn giao thông gây thiệt hại cho Việt Nam 2,9% GDP mỗi năm do chi phí điều trị và năng suất lao động bị giảm sút.
“Tai nạn giao thông hoàn toàn có thể lường trước được. Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu năm nay, WHO và các đối tác khác của Liên Hợp Quốc đang kêu gọi cơ quan hoạch định chính sách và tổ chức xã hội thực hiện “Đổi mới tư duy” về giao thông” - bà Angela Pratt chia sẻ.
Theo bà Angela Pratt, tháng 5/2021, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua kế hoạch toàn cầu cho “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ”, với mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong và thương tích do TNGT đến năm 2030. Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia đảm bảo ATGT đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu giảm số người chết và bị thương và bị thương do tai nạn giao thông tư 10 – 15% mỗi năm. Để đạt được mục tiêu đó cần sự tham gia của nhiều ngành và lĩnh vực bao gồm giao thông, công an, y tế và giáo dục và đặc biệt là người dân.
Bên cạnh đó, bà Angela Pratt cho rằng, cũng cần nâng cao chất lượng đường giao thông để bảo về đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Đồng thời, hành động để cải thiện chất lượng phương tiện và đảm bảo khi xảy ra va chạm giao thông, nạn nhân được tiếp cận y tế kịp thời.
"Để thực hiện thành công mục tiêu của Việt Nam, tôi xin đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên như: Quy định về ghế an toàn cho trẻ em và sử dụng dây an toàn cho tất cả các ghế trong ô tô; quy định giới hạn tốc độ chạy xe thấp hơn quanh khu vực trường học; Thúc đẩy việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm, xây dựng chuẩn mũ bảo hiểm; thực hiện nghiêm ngặt chính sách cấm sử dụng rượu bia khi lái xe; tiếp tục đầu tư và cải thiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông" - bà Angela Pratt nhấn mạnh.