Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấy gì từ lựa chọn đến Việt Nam và Indonesia trước tiên của Thủ tướng Suga?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay (18/10) sẽ bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình kể từ khi kế nhiệm ông Shinzo Abe vào tháng trước, mà điểm đến được lựa chọn là Việt Nam và Indonesia.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. 
Theo AP, lựa chọn đến thăm Đông Nam Á (ĐNA) trước hết nhấn mạnh nỗ lực của Tokyo dưới thời Thủ tướng Suga trong việc đẩy mạnh xây dựng các mối quan hệ kinh tế và quốc phòng hơn trong khu vực, phù hợp với tầm nhìn của chính quyền Abe trước đó.

Cựu Thủ tướng Abe từng thề sẽ khôi phục tầm vóc ngoại giao và niềm tự hào dân tộc đang suy yếu của Nhật Bản, bằng cách thúc đẩy các chính sách dân túy, chẳng hạn như các giá trị gia đình truyền thống và sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu Thế chiến II. Cuối cùng nhằm gia tăng ảnh hưởng của đất nước ông trong vai trò quân sự ở nước ngoài.

Và trong khi ông đã liên tục công du nước ngoài trong gần 8 năm cầm quyền, cựu Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga chủ yếu ở nhà để quản lý các quan chức nhằm thúc đẩy các chính sách kinh tế, an ninh và các chính sách đối nội khác. Nhưng với việc khéo léo tận dụng xuất thân "con nhà nông" khiêm tốn của mình, ông Suga được cho đã tạo ra một hình ảnh dân túy hơn người tiền nhiệm của mình.

Theo AP, trong khuôn khổ chuyến công du lần này, Thủ tướng Nhật Bản dự kiến ​​sẽ ký một số thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng song phương, như một phần trong nỗ lực của Tokyo nhằm thúc đẩy xuất khẩu thiết bị quân sự do Nhật Bản sản xuất. Đó là một tín hiệu cho thấy chính quyền Suga chắc chắn sẽ tiếp bước ông Abe trong lĩnh vực ngoại giao.
Cựu Thủ tưởng Abe nhận hoa từ ông Suga - lúc đó đã được bầu làm Chủ tịch Đảng LDP.
Liên quan đến quyết định lựa chọn điểm công du đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật, nó được cho phần nào phản ánh hiện thực, khi Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản - đang bị ràng buộc với chính trị trong nước trước cuộc bầu cử ngày 3/11, khiến ông Suga đã không thể đến Washington ngay lập tức.

Với phần lớn thế giới, bao gồm cả Nhật Bản, đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19, ông Suga nhắm tập trung nhiều hơn vào việc mang lại kết quả trong mọi quyết định. Khi các cuộc bầu cử quốc gia dự kiến sẽ diễn ra ​​trong vòng vài tháng tới, đại diện của đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền chắc chắn không có thời gian để lãng phí.

Giờ đây, không chỉ dần thoát ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Abe với lời hứa "vì dân phục vụ, Thủ tướng Suga thậm chí đang chứng minh, theo một số cách, chính quyền ông còn cứng rắn hơn. Nhiều quyết sách đối nội và đối ngoại của ông Suga được cho đã và đang đối mặt với những làn sóng sóng trong chính nội bộ nước Nhật, cùng nguy cơ gây hiềm khích với một số nước láng giềng - những người cũng từng bất bình trước chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của ông Abe.

Hôm thứ 7 vừa qua, Thủ tướng Suga đã thực hiện nghi lễ gửi lễ vật đến đền Yasukuni để tỏ lòng thành kính với những người đã khuất trong chiến tranh. Động thái ngay lập tức gây tranh cãi, khi Trung Quốc và Hàn Quốc vốn coi ngôi đền - nơi cũng tưởng niệm những tội phạm chiến tranh Nhật Bản đã bị hành quyết - là một biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của nước Nhật.
Ông Suga trong lần đầu tiên đến Văn phòng Thủ tướng sau khi nhậm chức. 
AP dẫn lời nhà xã hội học Ryosuke Nishida tại Viện Công nghệ Tokyo nhận định: "Cho đến nay, Thủ tướng Suga đang đưa ra các chính sách dễ hiểu và phổ biến đối với nhiều người, vì chính quyền của ông ấy rõ ràng đang nhắm đến việc duy trì tỷ lệ ủng hộ cao. Ông ấy đang mạnh dạn hành động và đó là chiến lược để khiến chính phủ của ông ấy trông như thể đang mang lại kết quả".

Tuy nhiên, nhiều người Nhật, đặc biệt là giới học thuật, đã lên tiếng cảnh báo rủi ro với việc kêu gọi sự ủng hộ bằng cách tận dụng lịch sử chủ nghĩa quân phiệt của đất nước trước và trong Thế chiến II, cũng như một số chính sách nhạy cảm thời hậu chiến.