Cam kết gây sốt
Nhà thầu gây sốt dư luận chính là tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình). Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm với các gói thầu trên những tuyến cao tốc mà tập đoàn này thực hiện.
Theo đó, ngoài các gói thầu DN này đang đảm nhiệm thi công tại các thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020), tập đoàn Sơn Hải còn cam kết bảo hành 10 năm với các gói thầu tiếp theo của giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam phía Đông nếu tập đoàn Sơn Hải được đảm nhận.
Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ GTVT, tập đoàn Sơn Hải cho biết sẽ đảm bảo các hạng mục như mặt đường bằng phẳng, không hằn lún, không bong bật, êm thuận cả đoạn tiếp giáp vào cầu đồng thời khẳng định cam kết sẽ được DN giữ nguyên trong mọi trường hợp kể cả xe quá tải trọng, quá lưu lượng hay thời tiết bất lợi.
Thậm chí, tập đoàn Sơn Hải còn khẳng định, Nhà nước sẽ không phải chi bất cứ một khoản tiền gì trong duy tu, sửa chữa trong thời gian 10 năm đơn vị bảo hành. Bên cạnh đó, để tiện cho người tham gia giao thông cùng giám sát việc bảo hành, DN này đề nghị công khai cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến.
Đây không phải lần đầu tiên tập đoàn Sơn Hải gây chú ý bằng những đề xuất liên quan tới thời hạn bảo hành đường. Trước đó, vào năm 2014, chính DN này đã có văn bản cam kết bảo hành 15km đường giao thông thuộc dự án mở rộng, nâng cấp QL1 do đơn vị này trúng thầu và đang thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lên 5 năm thay vì 1 năm như hợp đồng. Đề xuất của tập đoàn Sơn Hải đó được đánh giá là chưa có tiền lệ đối với các dự án thi công đường giao thông trên cả nước vào thời điểm đó.
Làm được thì tốt nhưng không dễ
Trước tuyên bố cam kết bảo hành cao tốc lên tới 10 năm của tập đoàn Sơn Hải, giới chuyên môn nhìn nhận đây sẽ là điều rất tốt nếu như DN làm được đúng như cam kết. Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về sự thành công của việc làm này.
Chuyên gia giao thông Triệu Khắc Dũng - nguyên Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCT Giao thông (nay là Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT) cho biết, thông thường tuổi thọ của mặt đường bê tông nhựa là trên 10 năm, thậm chí, trước đây còn lên đến 15 - 18 năm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mặt đường sẽ giữ được nguyên trạng trong suốt thời gian đó mà không được bảo trì, bảo dưỡng. Muốn giữ được tuổi thọ công trình phải tiến hành duy tu, bảo dưỡng định kỳ để giải quyết tình trạng lão hóa mặt đường.
Một vấn đề được các chuyên gia rất quan tâm đó là cam kết bảo hành cao tốc 10 năm được tập đoàn Sơn Hải đưa ra trong bối cảnh hợp đồng các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đều đã ký rồi, trong đó có quy định về thời gian bảo hành là 24 tháng. Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, với việc hợp đồng gói thầu đều đã ký xong, bây giờ nếu tập đoàn Sơn Hải muốn nâng thời gian bảo hành lên 10 năm thì đương nhiên phải sửa hợp đồng. Bởi nếu không sửa hợp đồng sẽ không ai giữ được tiền bảo hành của DN.
“Theo quy định hiện nay, sau khi hết thời gian bảo hành trong hợp đồng thì chủ đầu tư, Ban QLDA sẽ có trách nhiệm phải trả lại khoản tiền giữ bảo hành lại cho nhà thầu. Nếu không sửa thời gian bảo hành trong hợp đồng thì việc nhà thầu có cam kết thực hiện bảo hành 10 năm hay lâu hơn nữa cũng chỉ là tuyên bố suống, không có ràng buộc pháp lý nào” - Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết.
Các chuyên gia nhận định, cam kết bảo hành cao tốc 10 năm thể hiện sự tự tin của tập đoàn Sơn Hải và xét trên góc độ pháp lý thì đây cũng là sự tự nguyện của nhà thầu chứ không có ràng buộc nào khi các hợp đồng gói thầu đều đã ký xong. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp đàm phán lại hợp đồng để sửa thời hạn bảo hành lên 10 năm như mong muốn của DN phải thay đổi rất nhiều điều khoản trong hợp đồng như vấn đề duy tu, bảo dưỡng, độ bền công trình cũng có thể sẽ phải thay đổi.
Đặc biệt, một công trình đường trong 10 năm sẽ phải thực hiện đại tu. Vậy nếu nâng thời gian bảo hành lên 10 năm như cam kết của tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu sẽ phải chấp nhận thực hiện tất cả mọi việc liên quan đến chất lượng công trình, trong đó có cả những phát sinh hư hỏng. Đây là điều không dễ để thực hiện.
Trong số các gói thầu thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà tập đoàn Sơn Hải thực hiện có cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tức là DN bỏ tiền ra làm đường sau đó thu phí hoàn vốn trong thời gian nhất định. Trong suốt thời gian thu phí hoàn vốn, DN sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn công tác duy tu, bảo dưỡng công trình. Do đó, với công trình PPP thì thời gian bảo hành có là 5 năm, 10 năm hay 20 năm cũng không có ý nghĩa.