Cơ duyên với nghề giáo viên mầm non
Thầy Hà Văn Thạo năm nay 37 tuổi nhưng mới gắn với nghề giáo viên mầm non được ngót 7 năm.
“Trước khi đến với nghề này, tôi đã từng làm nhiều nghề khác nhau, nhưng nghề nào cũng thấy mình không thực sự hợp, không thực sự yêu, không thực sự đam mê và trong lòng luôn khắc khoải. Vốn mến trẻ, không thấy phiền lòng khi trẻ quấy khóc hay nghịch ngợm, không ngại mỗi lúc trẻ ăn chậm… và lại có vợ là một cô giáo mầm non nên khi có người hỏi “hay đi học nghề mầm non”, bất chợt tôi thấy thú vị nên đăng ký học trung cấp mầm non, đó là vào năm 2016”, thầy Thạo kể lại cơ duyên của đời mình.
Tốt nghiệp trung cấp, thầy Thạo được phân công về dạy tại một điểm trường cách nhà gần 10 cây số. Những ngày đầu đến lớp, nhìn thấy trường toàn đồng nghiệp nữ, nam giáo viên mầm non cũng thấy thoáng chút ngượng ngùng, lo lắng. Cả trường, thậm chí cả huyện Mường Lát chỉ có duy nhất một thầy giáo mầm non. Phụ huynh đưa con đến lớp cũng ngạc nhiên vì họ mới chỉ thấy thầy giáo cấp 1, cấp 2, cấp 3 chứ chưa thấy thầy giáo mầm non bao giờ.
Thầy Thạo tường thuật lại: “Với các đồng nghiệp và phụ huynh đã vậy, với học sinh, các con gọi tôi là “cô”. Một em gọi "cô", cả lớp cũng gọi "cô" theo bởi các em đã quen với các cô mầm non lớp dưới. Mọi thứ trước mắt tôi khi đó thật không dễ dàng gì nhưng do đã xác định nên tôi luôn cố gắng. Dần dần, tôi tiếp xúc, làm quen, chuyện trò với học sinh; dạy các con nhiều bài học hay, bài hát mới; thường xuyên hướng dẫn các con những trò chơi thú vị… Do học bán trú nên chỉ ít lâu, các con đã quen thuộc, quý mến và gọi tôi là “thầy giáo””.
Theo thầy Thạo, nghề mầm non cũng như các nghề khác. Nếu người làm nghề xác định tinh thần vững vàng, nghiêm túc, không ngừng quyết tâm, học hỏi, trau dồi, cập nhật kiến thức thường xuyên thì sớm muộn học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh cũng ghi nhận, quý trọng mình.
Chính bởi vậy, sau này khi đã tốt nghiệp đại học, có nhiều cơ hội chuyển sang ngành khác, cấp học khác nhưng thầy Thạo vẫn kiên định giữ nghề giáo viên mầm non; đồng thời cho đó là lựa chọn cuối cùng, phù hợp và đúng đắn nhất với mình.
Vừa chăm sóc, nuôi dạy trẻ vừa giữ gìn văn hóa
Xã Pù Nhi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với 6 dân tộc sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn với nhiều tập tục lạc hậu, những năm trước, gia đình có con ở độ tuổi mẫu giáo 5 tuổi vẫn ngại đưa con ra lớp. Được phân công phụ trách, thầy Thạo đã không ngại khó, ngại khổ, tìm đến tận nhà vận động cha mẹ đưa trẻ đi học. Đến nay, xã đang xây dựng nông thôn mới, 100% trẻ 5 tuổi ở địa phương đã được phổ cập giáo dục mầm non và người dân trong thôn vẫn không quên đóng góp tích cực của thầy Thạo.
Được phân công chủ nhiệm lớp 5 tuổi với 20 học sinh trong lớp, các con đa số đã có ý thức tự giác nên thầy Thạo có nhiều thời gian tập trung vào chuyên môn. Thầy ý thức rất rõ trách nhiệm của một giáo viên mầm non khi toàn ngành đang bước vào giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện.
“Với việc triển khai chương trình mới, tôi đặc biệt quan tâm đến giáo dục Stem bởi phương pháp này giúp trẻ được hoạt động nhiều hơn để phát triển phẩm chất, năng lực. Hiện tôi và các giáo viên đang được tập huấn kỹ về giáo dục Stem và chắc chắn sẽ sớm đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở phù hợp với điều kiện địa phương”, thầy Thạo chia sẻ.
Theo thầy giáo mầm non này, khó khăn cơ bản nhất tại các trường học vùng cao là về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Hiện Trường Mầm non Pù Nhi vẫn có nhiều lớp học tại nhà cấp 4, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị thiếu thốn. Để khắc phục, các giáo viên đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, trách nhiệm, làm nhiều đồ chơi để tổ chức các tiết học hiệu quả, gây hứng thú cho trẻ.
Với vai trò là giáo viên phụ trách lớp, trước đây từng có thời gian làm chuyên viên Công nghệ thông tin, thầy Thạo có trình độ nhất định về tin học và đã vận dụng triệt để trong công tác quản lý lớp để việc chăm sóc, giáo dục trẻ có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Tuy phụ huynh là người dân tộc ít người, thầy Thạo vẫn lập một nhóm zalo chung, thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh của các con để bố mẹ được biết. Do vậy, phụ huynh rất hài lòng và có niềm tin rất lớn với nhà trường, với giáo viên.
Bản thân là người dân tộc Thái lại tham gia giảng dạy học sinh đến từ 6 dân tộc khác nhau, có học sinh chưa sõi tiếng Kinh nên thầy Thạo đã chủ động học nhiều thứ tiếng dân tộc để giao tiếp được với các con. Song song việc dạy kiến thức, chăm lo về thể chất và tinh thần cho học sinh, thầy còn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa của các dân tộc.
Đề cập đến cơ chế, chính sách đối với giáo viên mầm non hiện nay, thầy Thạo thẳng thắn cho rằng, xã hội đã nói nhiều đến khó khăn, áp lực của giáo viên mầm non. Thầy cô dạy mầm non khắp cả nước đều trăn trở về đồng lương ít ỏi bởi muốn có đam mê thì phải có kinh tế. Tuy nhiên, cá nhân thầy Thạo và rất nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô vùng cao luôn có niềm tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước với ngành giáo dục và hy vọng, tới đây sẽ có thay đổi giúp thầy cô giáo có thể yên tâm, tự tin sống với nghề.
Cùng với đó, thầy Thạo mong những học sinh vùng cao của thầy có niềm đam mê, hứng thú với học tập nhiều hơn nữa để sau này các em có tương lai tốt đẹp hơn.
Được biết, chỉ sau ngót 7 năm gắn bó với nghề dạy học cấp mầm non, thầy Hà Văn Thạo đã có sáng kiến kinh nghiệm đạt loại C (năm 2019) và loại A (năm 2022), giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm học 2022 – 2023), nhiều lần được khen thưởng vì có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc về hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.