Thầy và trò cùng thay đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo được Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI thông qua hồi tháng 11/2013, toàn ngành giáo dục đã và đang đề ra nhiều kế hoạch, biện pháp để thực hiện chủ trương này.

Đổi mới phương pháp dạy, cách thi, kiểm tra, đánh giá được coi là khâu đột phá, song rất nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố quyết định nằm ở con người.

Từ bậc đại học… 

Nói về đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đổi mới giáo dục và đào tạo phải được làm tổng thể, nhưng có lẽ quyết liệt để mang lại nhiều kỳ vọng nhất là giáo dục ĐH. Suy cho cùng, mục đích của giáo dục chính là cung cấp nguồn nhân lực. Theo số liệu báo cáo, hiện có đến 30% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Một nghịch lý là tỷ lệ lao động được đào tạo của ta đạt chưa đến 50%, trong đó trình độ ĐH, CĐ khoảng 10%. So với các nước, tỷ lệ lao động có trình độ cao và số người đi học ĐH của Việt Nam là khá thấp. Điều này chứng tỏ đào tạo ĐH của ta chưa đảm bảo chất lượng. Do vậy, để nâng cao chất lượng ĐH, cần có thay đổi từ nhận thức cho đến những vấn đề có tính hệ thống như cơ cấu, chương trình, phương pháp dạy, thi cử, kiểm định chất lượng, đội ngũ giáo viên, cơ chế tài chính, phối hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo. Đối với phương pháp giáo dục ĐH, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh đến việc sinh viên phải đọc sách, làm thực nghiệm, tự tìm tài liệu ở thư viện, internet và các nguồn khác nhau để làm đề tài nghiên cứu khoa học. 
Giờ kiểm tra điều kiện của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Yên Chi
Giờ kiểm tra điều kiện của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Yên Chi.
 
Người thầy giảng dạy ở ĐH làm công việc giới thiệu tài liệu cho học trò tìm học, tự trao đổi với nhau rồi chia sẻ với thầy trên lớp.  

Trong đào tạo ĐH, doanh nghiệp nên thiết lập sự gắn bó với các trường để sản phẩm đầu ra đáp ứng đơn đặt hàng của xã hội. Với cách làm này, sinh viên được học cả trong trường lẫn ở doanh nghiệp để sau khi ra trường hòa nhập được ngay vào môi trường sản xuất. Đặc biệt, để tạo động lực cho các trường ĐH phấn đấu, việc đầu tư cũng nên thay đổi theo hướng gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. "Không nên định hình có những trường luôn được hưởng ưu đãi, mà cần có tiêu chí khuyến khích các trường phát triển" - GS Thuyết đề xuất.

… đến phổ thông

Hiện nay, chương trình và sách giáo khoa phổ thông đã có sự thay đổi, thể hiện rõ nhất ở bậc tiểu học với việc tổ chức cho học sinh tham gia vào hoạt động ngoại khoa. Trong quá trình tự học ấy, học sinh sẽ chủ động lĩnh hội kiến thức, phát hiện ra năng khiếu và sở thích của mình để từ đó phát triển sở trường. "Chúng ta sẽ phải thay đổi căn bản" - người "cầm trịch" ngành giáo dục nước nhà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tuyên bố một cách quyết liệt khi quán triệt Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cụ thể, ngành giáo dục sẽ thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa theo nguyên tắc tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới, tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Tiếp đó là chuyển từ việc truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò bằng phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới. 

Đổi mới căn bản giáo dục ở phổ thông là tăng cường truyền thụ kiến thức ở các lớp học dưới, giảm tải ở các lớp trên. Vai trò của người thầy khi ấy không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà còn cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học. Học sinh sẽ được học theo nhóm, được trình bày và bảo vệ ý kiến của mình, lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn; có thể nhận được điểm số giống nhau cho dù đáp án khác nhau. 

Để thực hiện thành công "cuộc cách mạng" đổi mới giáo dục, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, điều khó nhất là phải "chuyển" được về nhận thức, đổi mới được tư duy. Con người là yếu tố quyết định, nên thầy phải đổi mới, trò cũng phải thay đổi và cán bộ quản lý càng cần đổi mới. Trong sự đổi mới này, phụ huynh và xã hội không thể đứng ngoài cuộc, bởi đây là nhân tố góp phần mang đến thành công. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cùng với những thay đổi đồng bộ và căn bản, việc đổi mới quản lý giáo dục vô cùng cấp thiết. Đầu tiên phải đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT, sau đó đến các đơn vị cấp dưới.