Thế giới căng mình chống dịch Covid-19

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của worldometers.info, tính đến 18 giờ ngày 12/4 (theo giờ Việt Nam), 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,7 triệu ca dương tính với Covid-19, trong khi số ca tử vong đã lên tới 109.000 trường hợp.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: AFP-TTXVN
Số ca nhiễm tiếp tục gia tăng
Đáng chú ý, Mỹ đã vượt qua Italia để trở thành nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra, với 20.513 người chết, trong khi cũng đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus - 530.384 trường hợp. Theo sau đó, Italia đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong do Covid-19, với 19.468 người, nhưng nước này chỉ có 60 triệu dân, bằng 1/5 quy mô dân số của Mỹ. Tây Ban Nha đứng thứ 3 về số ca tử vong, với 16.606 trường hợp.
Việc gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại là quyết định khó khăn nhưng cần thiết. Nếu dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào thời điểm này, nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, do đó cần phải bắt đầu lại một cách thận trọng, từng bước.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte
Trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng, các nước tiếp tục triển khai và tăng cường biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần qua. Italia đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5, đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh. Tại Litva, kể từ tối 10/4 đến ngày 13/4, lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, TP và thị trấn được triển khai khẩn cấp nhằm hạn chế người dân đến thăm hỏi người thân trong dịp nghỉ lễ Phục sinh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu công dân tại 31 TP, bao gồm cả Thủ đô Ankara, phải ở nhà cho tới hết ngày 13/4.
Tại tâm chấn bùng phát dịch ở Mỹ, chính quyền TP New York đã quyết định cho học sinh nghỉ hết năm học này, trong khi đang xem xét một kế hoạch tổng thể để mở cửa các trường học trở lại vào tháng 9 tới. Trong ngày 11/4, New York ghi nhận thêm 783 ca tử vong do Covid-19, tăng 6 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại TP lên 8.627 người.
Cẩn trọng khi nới lỏng giãn cách xã hội
Trước việc một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội khi dịch bệnh có dấu hiệu chậm lại, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thận trọng vì việc này có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.
Tại Trung Quốc đại lục, nơi đã dỡ bỏ phần lớn các lệnh hạn chế bắt đầu từ cuối tháng 1, Ủy ban Y tế quốc gia thông báo ghi nhận thêm 46 ca mắc và 3 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 11/4. Trong số đó, 42 ca nhiễm là từ nước ngoài nhập cảnh, trong khi 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca tử vong mới đều tại tỉnh Hồ Bắc. Bên cạnh đó, Trung Quốc ghi nhận đặc biệt về 34 ca nhiễm mới không có triệu chứng, nâng tổng số ca bệnh không triệu chứng lên 1.092 trường hợp.
Một dấu hiệu đáng mừng trong cuộc chiến tìm vaccine chống Covid-19 là việc thử nghiệm của Italia đã cho kết quả tích cực. Các thử nghiệm tiền lâm sàng đầu tiên của 5 loại vaccine, do Công ty Takis phát triển, đã tạo ra những kháng thể mạnh. Theo Giám đốc Takis, Luigi Aurisicchio, tất cả 5 loại vaccine được phát triển để ngăn chặn protein Spike - “vũ khí” chính mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm chiếm các tế bào. Trong số 5 loại vaccine đang được thử nghiệm, có 2 loại hiện đang cho kết quả tích cực.
Nhiều gói kích thích kinh tế được tung ra
Song song với cuộc chiến bảo vệ sức khỏe của người dân, chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đã liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế, nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đang được dự báo là “tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II”.
Mới đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế số 1 thế giới. Theo đó, Fed sẽ cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các DN có quy mô tới 10.000 nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD, cũng như trực tiếp mua trái phiếu của các bang, các hạt và các TP đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế.
Nổi bật tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Hàn Quốc hứa sẽ bơm thêm khoảng 56.000 tỷ won (46 tỷ USD) cho gói kích thích kinh tế bổ sung, nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực vượt qua đại dịch Covid-19. Singapore cũng công bố gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 5,1 tỷ SGD (3,55 tỷ USD) bao gồm trợ cấp lương, miễn thuế và các khoản thanh toán một lần. Động thái này diễn ra chỉ một tuần sau khi Singapore giới thiệu các biện pháp hỗ trợ trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nguy cơ kinh tế suy thoái sâu.
Quốc hội Australia thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá 130 tỷ AUD (gần 80 tỷ USD). Gói hỗ trợ này tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu lao động chịu tác động của dịch bệnh tại nước này. Đây cũng là gói hỗ trợ kinh tế thứ 3, tiếp sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội đã được Quốc hội nước này phê duyệt vào tuần trước, nhằm trợ giúp các DN trả lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế chịu gián đoạn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Chính phủ Indonesia tuần này cũng đã dành 3.200 tỷ rupiah (210 triệu USD) để cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho khoảng 1,8 triệu hộ gia đình tại vùng đô thị Jakarta - gồm thủ đô Jakarta và các vùng phụ cận - trong 3 tháng, bắt đầu từ tuần tới. Chính phủ cũng sẽ phân bổ tổng cộng 37.200 tỷ rupiah cho 19 triệu hộ gia đình sinh sống ở ngoài vùng đô thị Jakarta, và 360 tỷ rupiah cho khoảng 197.000 lái xe của ngành vận tải công cộng.

Sau thời gian tranh cãi, các Bộ trưởng tài chính EU cuối tuần qua đã đồng ý về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ Euro (546 tỷ USD) để hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19, điển hình là Italia và Tây Ban Nha.

Số ca nhiễm mới trên thế giới càng tăng đồng nghĩa với việc đại dịch chưa thể chấm dứt sớm và Trung Quốc vẫn còn bị "đe dọa". Tôi vẫn chưa thấy “ánh sáng nào” cho đại dịch toàn cầu vì đây là một căn bệnh mới và chúng ta biết rất ít về nó.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp và là thành viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan)