Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới đối mặt cú sốc hàng hóa do căng thẳng địa chính trị

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo thế giới đang đối mặt với cú sốc giá hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970 do chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine.

Theo báo cáo được WB công bố hôm 26/4, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine. Điều này cũng gây thêm áp lực đối với đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh gánh nặng lạm phát ngày càng lan rộng.

Giá cả liên tục leo thang

Giá dầu thế giới đã tăng hơn 35% tính từ đầu năm đến nay. Ảnh: VP
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 35% tính từ đầu năm đến nay. Ảnh: VP

Trong vòng 2 năm qua, giá nhiên liệu chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ đầu những năm 1970. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã leo dốc hơn 35% và hiện duy trì ở mức hơn 105 USD/thùng sau khi chạm đỉnh trong 14 năm với gần 140 USD/thùng hồi giữa tháng 3 vừa qua. Giá khí đốt tại châu Âu cũng tăng vọt gần 30% trong ngày 27/4 sau khi tập đoàn dầu khí Nga Gazprom dừng cung cấp khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria với lý do 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo các quy định thanh toán được Moscow công bố cuối tháng trước.

Trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ và khí đốt toàn cầu tăng cao khi các nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-10, cuộc xung đột quân sự tại Ukraine hiện tại đã khiến thị trường thắt chặt hơn và đẩy giá nhiên liệu tăng mạnh.

Bên cạnh mặt hàng nhiên liệu, giá các mặt hàng như lúa mì và dầu ăn cũng tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm qua. Ukraine và Nga hiện là 2 nhà sản xuất lúa mì và dầu ăn lớn.

"Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đã gây ra thiệt hại đáng kể về khía cạnh con người và kinh tế," ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm triển vọng của WB, nhận định. "Xu hướng này có thể cản trở tiến độ giảm nghèo và làm trầm trọng hơn nữa áp lực lạm phát, vốn đã gia tăng trên khắp thế giới," ông cảnh báo.

Trên thực tế, giá cả đã leo thang ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Sau khi các nền kinh tế vực dậy từ cuộc khủng hoảng vì Covid-19, nhu cầu tăng mạnh mẽ. Nhưng nguồn cung không theo kịp vì gián đoạn chuỗi cung ứng và đầu tư sụt giảm trong nhiều năm.

Tác động sẽ kéo dài

WB nhận định thế giới đang đối mặt với cú sốc giá hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970.  “Chúng tôi cho rằng thế giới có thể phải chứng kiến cú sốc hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970,” ông Indermit Gill, Phó chủ tịch phụ trách tài chính và tăng trưởng công bằng của WB nói.

WB cảnh báo thế giới đang đối mặt với cú sốc giá hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970 do chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AFP
WB cảnh báo thế giới đang đối mặt với cú sốc giá hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970 do chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AFP

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá hàng đầu, trong khi Ukraine là quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn của thế giới, gồm lúa mì và ngô.

Trong bối cảnh gián đoạn thương mại và sản xuất do ảnh hưởng từ xung đột quân sự tại Ukraine, WB dự báo giá năng lượng sẽ tăng hơn 50% trong năm nay sau khi nhảy vọt hơn 50% trong năm ngoái. Còn giá lương thực được dự báo tăng 22,9% trong năm nay, rồi giảm 10,4% vào năm sau. Năm ngoái, giá lương thực toàn cầu tăng vọt 31%. Song song đó, WB dự báo giá lúa mì sẽ tăng hơn 40% trong năm nay, gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển dựa vào nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

WB cũng dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao đến cuối năm 2024. Nguyên nhân là căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.

Cũng theo WB, trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine kéo dài hoặc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với Moscow, giá hàng hóa thậm chí còn tăng mạnh hơn và sẽ biến động nhiều hơn so với dự báo hiện tại.

“Điều này là dấy lên “bóng ma” về đà tăng của lạm phát và giảm tốc kinh tế toàn cầu,” WB cảnh báo, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và tránh những hành động gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.