Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới sẽ sử dụng công cụ can thiệp tiền tệ nhiều hơn?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nỗ lực hạ giá đồng Yên Nhật của G7 đã phát huy tác dụng, từ mức đỉnh 76,25 Yên/USD thiết lập ngày 17/3, đồng nội tệ của xứ sở hoa anh đào đã sụt giảm khoảng 10% giá trị.

KTĐT - Nỗ lực hạ giá đồng Yên Nhật của G7 đã phát huy tác dụng, từ mức đỉnh 76,25 Yên/USD thiết lập ngày 17/3, đồng nội tệ của xứ sở hoa anh đào đã sụt giảm khoảng 10% giá trị.

Sau hoạt động bán đồng Yên tháng trước để hỗ trợ Nhật Bản, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) lại thực hiện chiến lược tăng dự trữ ngoại tệ, nhằm đảm bảo khả năng can thiệp thị trường khi tỷ giá biến động mạnh.

Theo hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia thuộc ngân hàng UBS AG của Thụy Sỹ và New York Mellon, chính phủ các nước G7 đang thực hiện chiến lược tăng cường hoạt động dự trữ ngoại tệ, nhằm có thể can thiệp thị trường tiền tệ trong tương lai khi tỷ giá biến động mạnh.

Dự kiến tối nay, bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 sẽ họp tại Washington. Đây là lần nhóm họp đầu tiên kể từ khi G7 cùng phối hợp bán đồng Yên.

Trước đó, hôm 18/3, G7 đã đồng ý can thiệp vào thị trường tiền tệ quốc tế, nhằm ngăn không để đồng Yên tăng giá kỷ lục so với USD, làm ảnh hưởng tới kinh tế Nhật trong bối cảnh nước này vừa trải qua biến cố động đất và sóng thần.

Nỗ lực hạ giá đồng Yên Nhật của G7 đã phát huy tác dụng, từ mức đỉnh 76,25 Yên/USD thiết lập ngày 17/3, đồng nội tệ của xứ sở hoa anh đào đã sụt giảm khoảng 10% giá trị.

Chiến lược gia tiền tệ Mansoor Mohi-uddin thuộc ngân hàng UBS cho rằng, việc bán tháo tiền tệ sẽ ngày càng tăng trong một thập niên tới. Và G7 sẽ phải tăng dự trữ từ 200 tỷ USD trong Eurozone và 50 tỷ USD ở mỗi quốc gia Mỹ, Anh và Canada.

Theo ông Mohi-uddin, những biến động tiền tệ trong những năm qua sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải ý thức được tầm quan trọng của dự trữ ngoại hối. Họ sẽ thực hiện các mức dự trữ phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại.

Các quan chức chính phủ Anh đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ tăng dự trữ để thực hiện tốt yêu cầu từ IMF. Dự trữ của Nhật hiện khoảng 1.000 tỷ USD.

Trong khi đó, ông Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20, hôm 31/3 từng phát biểu rằng, "hoạt động can thiệp tiền tệ là công cụ không thể thiếu để bảo vệ hệ thống tiền tệ quốc tế. Đó là công cụ cuối cùng”.