Thế giới trong tuần: Ông Trump được minh oan trước cáo buộc gian lận bầu cử

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã minh oan cho Tổng thống Donald Trump; Hạ viện Anh lần thứ 3 bác thỏa thuận Brexit… là những sự kiện nổi bật trong tuần

Tổng thống Mỹ được minh oan trước cáo buộc gian lận
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm 24/3 đã công bố bản tóm tắt báo cáo điều tra của công tố viên Mueller, trong đó xác định Tổng thống Donald Trump không thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã được minh oan trước cáo buộc trên. 
 Ông Trump đã được minh oan trước cáo buộc thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Sau 22 tháng điều tra, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã đệ trình báo cáo cuối cùng về cáo buộc Tổng thống Trump cấu kết với Nga tác động đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã được minh oan trước cáo buộc trên. 
Việc Công tố viên đặc biệt Robert Mueller không phát hiện thêm bằng chứng nào bất lợi cho ông Trump đã góp phần giúp Tổng thống có cơ hội để công kích mạnh mẽ phe Dân chủ và truyền thông.
Ông Trump và những đồng minh của mình đã phá được đám mây đen bao phủ trên đầu suốt 2 năm qua và  đây là thời điểm thích hợp để xây dựng lại tình cảm với các cử tri để chuẩn bị cho kế hoạch tái tranh cử 2020. Đây được xem là một thắng lợi lớn đối với chính quyền ông Trump kể từ khi đắc cử năm 2016.
 
Thủ tướng Anh đối mặt với làn sóng Bộ trưởng từ chức
Tờ Thời báo Chủ nhật của Anh đưa tin, Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với nguy cơ làn sóng từ chức của các bộ trưởng trong Nội các cả ở phe ủng hộ lẫn phe phản đối Brexit.
Ít nhất 6 Bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Theresa May sẽ từ chức nếu bà dẫn dắt Brexit không thỏa thuận, trong khi các bộ trưởng ủng hộ Brexit cũng sẽ từ chức nếu bà ủng hộ liên minh hải quan với EU hoặc tìm cách trì hoãn Brexit.
 Hôm 29/3, Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. 
Theo tờ báo này, Thủ tướng Theresa May hôm nay sẽ được cảnh báo rằng, chính phủ của bà đang đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn trừ khi bà vượt qua được thỏa thuận Brexit.
Trước đó, ngày 29/3, với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, một lần nữa, Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối năm ngoái. Ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit) mà không có một bản thỏa thuận nào dường như là nguy cơ hiện hữu.
“Chảo lửa” Trung Đông đang nóng lên từng ngày
Hòa bình ở Trung Đông ngày càng trở nên mong manh hơn khi ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hiện thực hóa tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, động thái không những "đảo chiều" chính sách của Washington mà còn đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khu vực này. 
 Tổng thống Mỹ vừa chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan,
Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Ả Rập và nhiều nước trong khu vực Trung Đông đã lên tiếng phản đối quyết định trên của Mỹ. Liên Hợp quốc khẳng định chính sách của tổ chức này về Cao nguyên Golan chưa thay đổi. Chính phủ Syria đã phản đối, coi bước đi này của Washington là đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền của Syria.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Syria. Thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah đã kêu gọi kháng chiến và tuyên bố đây là thời điểm bước ngoặt trong lịch sử xung đột giữa người Arab và Israel. Từ Libanon, thủ lĩnh lực lượng Hezbollah tuyên bố bạo lực giờ đây là con đường duy nhất để người Ả Rập bảo vệ được lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn giữa nhóm vũ trang Hamas và phía Israel có hiệu lực, các vụ tấn công giữa Israel và các tay súng ở Dải Gaza lại tái diễn.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có tiến triển
Mỹ và Trung Quốc cho biết đã đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại mới kết thúc ngày 29/3 tại Bắc Kinh.
 Đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc thảo luận xây dựng tại Bắc Kinh.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết hai bên tiếp tục đạt được tiến triển trong đàm phán và các bước quan trọng tiếp theo trong các cuộc thảo luận thẳng thắn và xây dựng. Nhà Trắng cũng cho biết đang mong đợi chuyến thăm Washington sắp tới của phái đoàn Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.
Vòng đàm phán tại Bắc Kinh là lần đầu tiên Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer gặp trực tiếp đại diện phía Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Trump hoãn tăng thuế nhập khẩu đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đã kết thúc các cuộc đàm phán xây dựng ở Bắc Kinh. Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, hai bên đã thảo luận các văn bản thỏa thuận chính và đạt được tiến triển trong đàm phán.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 28/3 cho biết Mỹ có thể cắt giảm một số thuế nếu hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, các thuế nhập khẩu còn lại sẽ tiếp tục được duy trì để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận này. 
 
Hơn 2.000 đại biểu dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019
Với chủ đề “Chung vận mệnh, cùng hành động, cùng phát triển”, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 (BFA) đã diễn ra từ ngày 26 đến 29/3 tại Hải Nam, Trung Quốc. Hơn 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 50 quan chức cấp bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, hơn 180 doanh nhân, cùng nhiều học giả, phóng viên đến từ hơn 60 nước và khu vực tham dự Diễn đàn.
 
 Quang cảnh họp báo về Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019. 
Diễn đàn năm nay tổ chức khoảng 50 cuộc thảo luận chính thức xoay quanh 5 nghị trình gồm tập trung xoay quanh 5 nội dung chính gồm: Kinh tế thế giới mang tính mở; Chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực và quản trị thế giới; Động lực của sáng tạo; Phát triển chất lượng cao và Tuyến đầu của điểm nóng. Xoay quanh các nội dung này có hơn 60 hoạt động như đối thoại, hội nghị bàn tròn, đối thoại với các giám đốc điều hành (CEO). Trong đó, đáng chú ý có Đối thoại giữa các Tỉnh trưởng, Thị trưởng ASEAN - Trung Quốc, Đối thoại giữa các CEO Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc- Nhật và Trung Quốc- Australia; các cuộc họp về 5G, trí tuệ nhân tạo, Big data, kinh tế biển và Diễn đàn về Biển Đông, cải cách WTO, “Vành đai, con đường”....
Sự ủng hộ vững chắc cho chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa là thành quả quan trọng nhất và cũng là thông điệp đáng khích lệ nhất từ diễn đàn năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần