Mỹ thắt chặt quy định về du lịch và thương mại với Cuba
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/6 đã tuyên bố sẽ loại bỏ một phần chương trình mở cửa đối với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama, thắt chặt các quy định về du lịch và thương mại.
Tổng thống Trump sẽ siết chặt các luật lệ quy định về việc đi lại của công dân Mỹ tới Cuba. Ảnh: Reuters |
Theo tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ siết chặt các luật lệ quy định về việc đi lại của công dân Mỹ tới Cuba, đồng thời giới hạn đáng kể hoạt động kinh doanh giữa các công ty Mỹ với các doanh nghiệp Cuba do quân đội kiểm soát.
“Tôi sẽ hủy hoàn toàn thỏa thuận một chiều của chính quyền trước với Cuba. Tôi xin tuyên bố một chính sách mới, giống như lời hứa trong chiến dịch", ông Trump phát biểu.
Sau khi cam kết sẽ dùng cách tiếp cận cứng rắn hơn với La Havana trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, Tổng thống Donald Trump sẽ siết chặt lại lệnh cấm người Mỹ tới Cuba với tư cách du khách, đồng thời sẽ ngăn cản việc sử dụng đồng USD để tài trợ cho Chính phủ Cuba. Các quy định mới sẽ chấm dứt việc cho phép cá nhân sang Cuba và tìm cách hạn chế dòng tiền thanh toán cho nhiều công ty thuộc sở hữu của các lực lượng an ninh Cuba.
Tuy nhiên, luật mới sẽ không hoàn toàn đảo ngược các nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2015 nhằm giảm bớt chính sách cô lập Cuba trong nửa thế kỷ. Tổng thống Donald Trump sẽ không đóng cửa các Đại sứ quán hay cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba.
Quan hệ ngoại giao sẽ vẫn còn hiệu lực và các liên kết đường hàng không, đường biển thương mại sẽ được miễn trừ. Tuy nhiên, các quy định mới có thể sẽ ảnh hưởng đến các công dân Mỹ muốn đến Cuba.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga
Với tỷ lệ ủng hộ cao (97 phiếu thuận và 2 phiếu trống), Thượng viện Mỹ ngày 14/6 đã nhất trí thông qua dự luật nhằm trừng phạt Nga liên quan tới cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua sẽ ngăn cản Tổng thống Donald Trump đơn phương giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo những sửa đổi mới, mọi động thái nới lỏng, tạm ngừng hoặc hủy bỏ trừng phạt Nga đều cần phải được Quốc hội Mỹ bật đèn xanh. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt được áp đặt theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Barack Obama trước đây, đặc biệt là nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng Nga sẽ được soạn thành luật.
Dự luật sửa đổi này còn cho phép mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế nga, gồm khai thác khoáng, kim loại, vận tải biển và đường sắt. Tuy nhiên, để trở thành luật, văn kiện này còn phải được Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
Cháy chung cư ở London khiến 30 người thiệt mạng
Cơ quan chức năng Anh đã xác nhận, hiện số người thiệt mạng trong vụ cháy chung cư Grenfell ở thủ đô London là 30 người và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng.
Đám cháy tòa nhà Grenfell Tower ở phía Tây London xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 14/6, được cho là bắt đầu từ tầng 4 và nhanh chóng lan sang các tầng khác.
Hơn 250 nhân viên cứu hỏa đã nỗ lực dập tắt đám cháy kéo dài trong khoảng 9 giờ đồng hồ.
Tim Downie - một người dân địa phương cho biết, anh đã nhìn thấy nhiều người đã phải đưa trẻ em ra ngoài cửa sổ khi đám cháy lan rộng. Một nhân chứng khác thì cho biết đã nhìn thấy nhiều người nhảy ra ngoài cửa sổ.
Grenfell Tower đã được xây dựng từ những năm 1970. Người dân cũng nhiều lần than phiền về tình trạng thiết bị phòng cháy chữa cháy quá lạc hậu.
Tổng thống Putin trả lời trực tuyến với người dân Nga
Ngày 15/6, Tổng thống Putin đã có cuộc trả lời trực tuyến với người dân Nga. Ông Putin nhận được hơn 1 triệu câu hỏi. Đây là lần thứ 15 ông Putin có cuộc trao đổi trực tuyến với người dân. Kể từ lần đầu tiên diễn ra từ năm 2001 đến nay, ông Putin đã giao lưu trực tuyến với người dân 10 lần trên cương vị Tổng thống và 4 lần trên cương vị Thủ tướng.
Người đứng đầu Điện Kremlin đã trả lời các câu hỏi về cuộc bầu cử Tổng thống Nga, quan hệ Nga - Mỹ và tình hình kinh tế của đất nước.
Về quan hệ Moscow - Washington, Tổng thống Putin cho biết, Nga không coi Mỹ là “kẻ thù” vì 2 nước từng là đồng minh trong cả 2 cuộc Thế chiến I và II. Tâm lý chống Nga ở Mỹ xuất phát từ các cuộc xung đột chính trị nội tại trong lòng nước Mỹ.
"Russophobia - tâm lý chống Nga hiện đang tăng cao ở Mỹ. Tôi tin rằng đây là kết quả của một cuộc đấu tranh về quyền lực leo thang trong lòng nước Mỹ", ông Putin nói.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng tin tưởng, quan hệ 2 nước sẽ trở lại bình thường. Tổng thống Putin cho rằng, Nga có "nhiều bạn" ở Mỹ, mặc dù truyền thông đã làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Về lệnh cấm vận kinh tế của các nước phương Tây, ông Putin cho rằng, Moscow đã phải chung sống với cấm vận kể từ khi bắt đầu có chỗ đứng trong các vấn đề quốc tế.
Mặc dù thừa nhận, các lệnh trừng phạt gây tổn hại đến kinh tế Nga nhưng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả những nước đang áp đặt lệnh trừng phạt. Viện dẫn con số thống kê của Liên Hợp quốc, ông Putin cho biết, Nga mất 55 tỷ USD do cấm vận nhưng các bên áp cấm vận thiệt hại tới hơn 100 tỷ USD.
Ông Putin khẳng định, những cấm vận hiện nay vừa có lợi, vừa có hại bởi Moscow buộc phải cải tiến và đổi mới sản xuất trong các ngành công nghiệp, bao gồm cả những lĩnh vực công nghệ cao.
Về phản ứng của Nga đối với quyết định tăng cường cấm vận, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tiếp tục cạnh tranh.
FED tuyên bố nâng lãi suất
Các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 15/6 đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED tuyên bố nâng lãi suất lần thứ 3 trong 6 tháng, duy trì dự báo lãi suất sẽ tăng thêm một lần nữa từ nay đến cuối năm đồng thời đưa ra một số thông tin chi tiết hơn về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán hiện có quy mô lên tới 4.500 tỷ USD. Như vậy, mức mục tiêu cho lãi suất liên bang (áp dụng cho những khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng) nằm trong khoảng 1 - 1,25%.
Trong cuộc họp báo hậu tuyên bố, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết kế hoạch bán bớt tài sản sẽ được triển khai “khá sớm” nếu như nền kinh tế diễn biến đúng theo mà FED kỳ vọng.
FED đã tăng lãi suất thêm 1% trong vòng 2 năm qua khi nền kinh tế Mỹ đang trải qua một trong những thời kỳ tăng trưởng dài nhất - tuy nhiên FED thừa nhận sự tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại. Lạm phát ở Mỹ vẫn còn thấp, ngay cả khi tăng trưởng việc làm tiếp tục được cải thiện, và mặc dù sự tăng lên của lãi suất đã được phản ánh trong chi phí của hầu hết các khoản vay nhưng lãi suất cho vay mua nhà vẫn không thay đổi, cho thấy các quyết định từ FED vẫn chưa có tác động đầy đủ đến nền kinh tế Mỹ.
Cuộc họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra vào ngày 25-26/7. Trong khi đó, thị trường dự báo lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng 9 và sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu lạm phát không tiếp tục tăng hoặc tăng trưởng việc làm dừng lại, khi đó FED có thể sẽ điều chỉnh lại kế hoạch.