Thế giới tuần qua: Tổng thống Mỹ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà Audrey Azoulay - Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp chính thức trở thành tân Tổng giám đốc UNESCO và quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Mỹ điều tàu khu trục dẫn đường tuần tra ở Biển Đông
Một tàu khu trục Mỹ đã tiến gần một đảo ở Biển Đông hôm thứ Ba (10/10), 3 quan chức Mỹ cho hay.
Động thái nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông mà các nước láng giềng trong khu vực cũng lên tiếng phản đối. Đồng thời, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang cần sự hợp tác của Bắc Kinh để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Chaffe của Mỹ.
Hoạt động của tàu khu trục là nỗ lực gần nhất để phản ứng vói các nhận định của Washington cho rằng Bắc Kinh đang hạn chế quyền đi lại tự do ở vùng biển chiến lược.
Các quan chức Mỹ trả lời với yêu cầu giấu tên cho biết, hoạt động của tàu khu trục tên lửa dẫn đường Chafee ở gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) đã thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông mà các nước láng giềng trong khu vực cũng lên tiếng phản đối.
Tháng tới, ông Donald Trump sẽ có chuyến thăm châu Á đầu tiên với tư cách Tổng thống Mỹ, trong đó có Trung Quốc, với mục đích yêu cầu nước này gia tăng sức ép với Triều Tiên. Bắc Kinh là láng giềng và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, khác với thời điểm hồi tháng 8, khi một tàu khu trục của Hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, tàu Chafee không tiến vào khu vực 12 hải lý.
Washington khẳng định sẽ tiếp tục có các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Tổng thống Trump không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Trong bài phát biểu ngày 13/10 từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như các đồng minh và cộng đồng quốc tế khi tuyên bố không xác nhận Tehran đang tuân thủ thỏa thuận này.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Theo ông Trump, Mỹ không thể tiếp tục đi theo con đường được dự báo sẽ mang lại nhiều bạo lực và khủng bố hơn, không phục vụ và đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Thậm chí, nếu không có được một giải pháp tốt, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nói trên.
“Dựa trên thực tế vừa đưa ra, hôm nay tôi tuyên bố chúng tôi không thể và sẽ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Chúng tôi không tiếp tục đi theo con đường mà kết cục được dự báo từ trước là sẽ mang đến nhiều bạo lực, nhiều khủng bố hơn và mối đe dọa thực sự từ vũ khí hạt nhân của Iran. Đó là lý do tại sao tôi đang chỉ đạo nội các làm việc chặt chẽ với Quốc hội và các đồng minh để giải quyết các sai sót nghiêm trọng của thỏa thuận trên, đảm bảo Iran không bao giờ có thể đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân”.
Mặc dù chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng việc ông Trump không xác nhận Iran tuân thủ đồng nghĩa với việc Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 60 ngày để thảo luận áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran.
Dư luận thế giới đã có những phản ứng khác nhau xung quanh quyết định của Tổng thống Mỹ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Bà Federica Mogherini, Cao ủy về chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Mỹ không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận, đồng thời khẳng định, đây không phải là thỏa thuận song phương và châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế đều nhận thấy thỏa thuận này vẫn đang được thực thi và sẽ tiếp tục được thực thi.
Bà Moherini cũng khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng chúng tôi có trách nhiệm chung để bảo vệ thỏa thuận này. Thỏa thuận hạt nhân với Iran không phải là vấn đề của riêng nước Mỹ mà là nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Cộng đồng quốc tế và EU thấy rõ thỏa thuận này đang và sẽ tiếp tục được thực thi. EU tiếp tục ủng hộ hòa toàn thỏa thuận và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tất cả các điều khoản của thỏa thuận. EU cùng với cộng đồng quốc tế cam kết bảo vệ thỏa thuận vì lợi ích của tất cả mọi người, trong đó có người dân Iran.”
Lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức bày tỏ lo ngại và cảnh báo tuyên bố cứng rắn của Mỹ không xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận cũng như áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran có thể làm tổn hại tới việc thực thi thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, tuyên bố của Tổng thống Mỹ không xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân không có nghĩa là thỏa thuận hạt nhân chấm dứt. Pháp và các đối tác châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của họ đối với thỏa thuận này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rằng, thỏa thuận hạt nhân của Iran đã cho thấy, lần đầu tiên có thể tránh được xung đột thông qua đàm phán.
Ông Gabriel nêu rõ: “Chúng tôi muốn giữ thỏa thuận này. Và mặc dù chúng tôi chỉ trích Iran khi nước này đóng vai trò phức tạp ở Trung Đông, nhưng để ngăn chặn một quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân, thì thỏa thuận này rõ ràng là dấu hiệu hy vọng duy nhất mà chúng tôi có hiện nay. Vì thế, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong vài tuần tới để thuyết phục Quốc hội Mỹ tiếp tục thỏa thuận này và cách thức để Iran thay đổi hành động trong lĩnh vực chính trị ở khu vực. Nhưng thỏa thuận hạt nhân cần phải được giữ nguyên”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định "rất đáng lo ngại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra các nghi vấn vốn được giải quyết khi JCPOA được ký hồi năm 2015. Ông Ryabkov cho biết Nga coi nhiệm vụ chính của nước này giờ đây là ngăn chặn JCPOA đổ vỡ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giữ cam kết đối với thỏa thuận.
Ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng nhắc lại rằng, Iran vẫn đang nằm dưới sự kiểm tra, giám sát hạt nhân chặt chẽ nhất và nước này đã thực thi các cam kết về hạt nhân theo đúng các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp đắc cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO
Trong vòng 5 cuộc bầu cử của Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ngày 13/10, bà Audrey Azoulay, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, giành được 30/58 phiếu, nhiều hơn 2 phiếu so với đối thủ là ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari, và chính thức trở thành tân Tổng giám đốc UNESCO.
Sau 5 ngày ganh đua quyết liệt và trải qua 5 vòng bầu cử, UNESCO đã bầu được người sẽ đảm nhận cương vị Tổng giám đốc tổ chức này trong 4 năm tới, là bà Audrey Azoulay, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp.
Trong vòng cuối cùng cuộc bầu cử của Hội đồng chấp hành UNESCO ngày 13/10, bà Audrey Azoulay - cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp đã giành 30/58 phiếu, nhiều hơn 2 phiếu so với đối thủ là ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari đến từ Qatar, chính thức đắc cử vị trí tân Tổng giám đốc UNESCO.
Bà Audrey Azoulay - cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp chính thức đắc cử vị trí tân Tổng giám đốc UNESCO.
Việc bà Azoulay chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc UNESCO được xem là một bất ngờ bởi so với nhà ngoại giao Qatat, ông Al Kawari, bà Azoulay tham gia tranh cử muộn hơn tương đối nhiều và trong suốt 4 vòng bầu cử trước đó, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp luôn ít phiếu hơn ông Kawari.
Với nước Pháp, việc bà Azoulay được chọn là người kế nhiệm Tổng giám đốc UNESCO là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Về mặt chính thức, bà Azoulay cần được Đại hội đồng UNESCO thông qua trong phiên họp đầu tháng 11/2017 nhưng đây chỉ là vấn đề thủ tục.
Bà Azoulay là một gương mặt tương đối mới trên chính trường Pháp. Tuy là cựu Bộ trưởng Văn hoá Pháp nhưng bà Azoulay chỉ giữ cương vị này trong thời gian hơn 1 năm, thời điểm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Pháp, Francois Hollande.
Bà Azoulay sẽ thay thế bà Irina Bokova trên cương vị Tổng giám đốc UNESCO từ tháng 11 tới trong thời điểm UNESCO đang đối mặt rất nhiều khó khăn trong nội bộ. Chỉ 1 ngày trước khi danh tính tân Tổng giám đốc UNESCO được công bố, Mỹ và Israel đã tuyên bố rút khỏi UNESCO.
Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp chia sẻ quan điểm sau khi đắc cử: "Ở một giai đoạn khủng hoảng, hơn bao giờ hết chúng ta cần bắt tay vào và nỗ lực củng cố tổ chức này".
Bà Azoulay tuyên bố ưu tiên hàng đầu của bà trong thời gian tới là sẽ tìm cách lấy lại sự tin tưởng vào UNESCO của các quốc gia thành viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc mừng chiến thắng của bà Azouley trên tài khoản mạng xã hội Twitter, nói rằng: "Nước Pháp sẽ tiếp tục đấu tranh vì khoa học, giáo dục và văn hóa trên thế giới".
Được biết, Bà Azoulay vốn là người gốc Marocco, theo đạo Do Thái. Với việc đắc cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO, bà sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cải tổ cơ quan phụ trách về văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hợp quốc với những tồn tại của thể chế quan liêu trong suốt 7 thập kỷ qua kể từ khi thành lập.
Tân Tổng Giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO.
Tây Ban Nha cho lãnh đạo Catalonia 8 ngày để rút lại tuyên bố độc lập
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố cho người đứng đầu vùng Catalonia thời hạn 8 ngày để xác nhận rõ vùng tự trị này đã tuyên bố độc lập hay chưa.
Thủ tướng Rajoy phát biểu trên truyền hình sau một cuộc họp chính phủ ngày 11/10 nhằm cân nhắc cách thức giải quyết khủng hoảng tại Catalonia: “Sáng nay, nội các đã nhất trí chính thức đề nghị chính quyền Catalonia xác nhận là họ đã tuyên bố độc lập hay chưa, bởi đang có nhiều điều khó hiểu được tạo ra một cách có chủ đích liên quan đến việc thực thi một tuyên bố như vậy”.
 Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.
Thủ tướng Rajoy thông báo người đứng đầu vùng Catalonia Carles Puigdemont có thời hạn đến 10h ngày 16/10 để làm rõ việc họ đã tuyên bố độc lập hay chưa.
"Việc ông Puigdemont làm rõ với người dân Tây Ban Nha rằng ông đã tuyên bố độc lập vào ngày 10/10 hay chưa vô cùng quan trọng", ông Rajoy nhấn mạnh.
"Nếu lãnh đạo Catalonia, ông Carles Puigdemont xác nhận đã tuyên bố độc lập, ông sẽ có thêm 3 ngày để cân nhắc lại tuyên bố đó. Đến ngày 19/10, nếu tuyên bố độc lập của Catalonia không được rút lại, Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha sẽ được kích hoạt", ông Rajoy cho biết thêm.
Theo Điều 155, chính quyền trung ương Tây Ban Nha có thể giành quyền kiểm soát chính quyền các vùng tự trị, đồng nghĩa nó cho phép Thủ tướng Rajoy dừng quyền tự trị về chính trị của Catalonia. Điều khoản này chưa từng được sử dụng trước đây.
Tây Ban Nha hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở nước này kể từ vụ đảo chính quân sự thất bại vào năm 1981.
Ngày 10/10, Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont đưa ra một tuyên bố độc lập mang tính biểu tượng, nhưng ngay lập tức hoãn kế hoạch ly khai khỏi Tây Ban Nha và kêu gọi đàm phán với Chính phủ nước này.
Động thái trên được thực hiện dựa vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 vừa qua với 90% người Catalonia đi bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha.
Chính quyền Madrid chỉ trích kịch liệt cuộc trưng cầu dân ý này, khẳng định đây là hành động vi phạm hiến pháp. Giới chức nước này cũng tuyên bố mọi cuộc đối thoại giữa hai bên chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, tức tuyên bố độc lập của Catalonia sẽ không được mang ra làm điều kiện mặc cả.
Tòa án hiến pháp Tây Ban Nha coi cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia là bất hợp pháp. Madrid cũng bác bỏ tuyên bố của lãnh đạo Catalonia, khẳng định "không thể chấp nhận việc ngầm đưa ra một tuyên bố độc lập rồi hoãn nó thẳng thừng như thế".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần