Nhiều nước lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa mạnh chưa từng có của Triều Tiên
Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào sáng sớm ngày 29/11, các nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối và xem đây là hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 29/11 ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này rất quan ngại về vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, tên lửa Hwasong-15 ước tính có tầm bắn lên tới 13.000km và cũng bay lâu hơn đáng kể so với hai lần thử trước: 37 phút hôm 4/7 và 47 phút hôm 28/7. |
Theo người phát ngôn Cảnh Sảng, Trung Quốc hy vọng các bên hành động cẩn trọng để bảo đảm hòa bình và ổn định.
Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Phía Trung Quốc bày tỏ vô cùng quan ngại trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và phản đối hành động này. Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng những yêu cầu trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đồng thời chấm dứt những hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".
Trước đó rạng sáng cùng ngày, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo sau hơn 2 tháng im lặng. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc xác định đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa và có tầm bay cao và xa nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Theo thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in ngày 29/11 đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhất có thể được đối với vụ việc này.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia sau khi Triều Tiên phóng tên lửa ICBM, Tổng thống Moon nêu rõ: “Tôi mạnh mẽ lên án Triều Tiên đã thực hiện các hành động khiêu khích liều lĩnh.
"Chính phủ Hàn Quốc sẽ không bao giờ dung thứ cho các hành động khiêu khích của Triều Tiên", ông Moon nhấn mạnh.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá động thái của Bình Nhưỡng mang tính "quá khích" và "không thể dung thứ", đồng thời cảnh báo sẽ tăng cường sức ép đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Cùng ngày, lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên này.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã "nhất trí tăng cường khả năng răn đe của chúng ta chống lại mối đe dọa Triều Tiên".
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản cũng nhất trí rằng Trung Quốc cần đóng vai trò lớn hơn trong việc chống lại Triều Tiên.
Cùng ngày, phái bộ Mỹ tại Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp khẩn trong ngày 29/11 để thảo luận về vụ thử ICBM mới nhất của Triều Tiên.
Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 29/11 cho biết Moscow lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, và xem đây là hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh.
Ông Peskov nhấn mạnh: "Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên rõ ràng là một hành động khiêu khích sẽ làm gia tăng căng thẳng và đẩy chúng ta ra xa điểm khởi đầu giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc hạn chế các cuộc tập trận ngoài kế hoạch, nhằm giúp giảm căng thẳng hiện nay.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 29/11, nước này đã phóng thử thành công một tên lửa ICBM Hwasong -15 mới, với công nghệ được nâng cấp và "có tầm bắn bao phủ hoàn toàn lục địa Mỹ.
KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã theo dõi vụ phóng thử và "tự hào tuyên bố Triều Tiên cuối cùng đã thực hiện được sự nghiệp lịch sử vĩ đại là hoàn tất sức mạnh hạt nhân quốc gia".
Argentina ngừng chiến dịch tìm kiếm 44 thủy thủ trên tàu ngầm mất tích
Ngày 30/11, Bộ Quốc phòng Argentina đã ngừng chiến dịch giải cứu 44 thủy thủ đoàn trên tàu ngầm ARA San Juan mất tích trên biển Nam Đại Tây Dương ARA San Juan cách đây 2 tuần, nhưng vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm tàu ngầm.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/11, phát ngôn viên Lực lượng Hải quân Argentina Enrike Balbi cho biết, thời gian tìm kiếm thủy thủ đã vượt quá hai lần số ngày cho phép (oxy dự trữ chỉ đủ cho 7 ngày), nhưng bây giờ vẫn không thấy dấu vết của cả người hoặc tàu ngầm mất tích.
Ông Balbi cho biết việc tìm kiếm sẽ được tiếp tục nhưng sẽ không có những thiết bị cần thiết để cứu người. "Mặc dù tất cả nỗ lực đã được thực hiện, chúng tôi vẫn không thể xác định vị trí của tàu ngầm ARA San Juan", ông Balbi nói.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp diễn ra cùng ngày giữa Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad và đại diện lực lượng Hải quân Argentina.
Với quyết định này, Bộ Quốc phòng Argentina chính thức công bố gián tiếp việc 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan đã hy sinh.
Tàu ngầm Ara San Juan mất liên lạc trên Đại Tây Dương hôm 15/11 khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata với 44 thủy thủ.
Từ ngày 15/11, Argentina cùng sự hỗ trợ của 18 quốc gia trong đó có Mỹ, Nga, Anh và Pháp, đã triển khai chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, với sự tham gia của hơn 4.000 người và 30 máy bay, tàu thuyền các loại.
Người phát ngôn Balbi cho biết với nhiều thiết bị tối tân và hiện đại, chiến dịch tìm kiếm đã được triển khai cả trên không và dưới biển nhưng không đem lại kết quả.
Tàu ngầm ARA San Juan đã phát tín hiệu lần cuối tại Vịnh San Jorge, cách bờ biển Argentina 432km. Trước đó ít giờ, ARA San Juan đã thông báo về sự cố chập điện do nước biển tràn vào hệ thống thông hơi, dẫn tới sự cố đoản mạch ở một ắc quy và gây cháy. Tuy nhiên, các thủy thủ thông báo đã khống chế được vụ việc và tiếp tục hành trình.
Theo điều tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), 3 giờ sau khi tàu ARA San Juan báo cáo thông tin lần cuối với đài chỉ huy, một vụ nổ lớn đã xảy ra chỉ cách điểm tàu đã liên lạc 27km.
Ngày 28/11, ông Balbi cho biết nguyên nhân vụ nổ trên tàu là do khí hydro tích tụ sau sự cố chập ắc quy.
Trong những ngày gần đây, công tác tìm kiếm và cứu hộ đã tập trung ở vùng biển được cho là tàu đã nổ, với độ sâu từ 200 tới 1.000m.
Sân bay Bali mở cửa trở lại, hàng nghìn du khách mắc kẹt được về nhà
Giới chức Indonesia ngày 29/11 đã mở cửa lại sân bay Lombok ở Bali sau 2 ngày đóng cửa do núi lửa Agung phun trào khiến tro bụi bao trùm khắp hòn đảo du lịch.
Cụ thể, sân bay Bali đã được mở cửa lại vào 3 giờ chiều 29/11, 2 ngày phải đóng cửa do lo ngại tro bụi từ núi lửa Agung phun trào có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay.
"Sân bay quốc tế Lombok ở Bali đã bắt đầu hoạt động bình thường", một thông báo của Công ty Dịch vụ điều hành bay Indonesia (AirNav) cho biết. Lãnh đạo AirNav nói thêm rằng các hoạt động được nối lại vào lúc 15h.
Trước đó, giới chức hàng không hạ mức cảnh báo xuống "màu da cam", thấp hơn một cấp độ so với mức nguy hiểm nhất.
Sau 2 ngày đóng cửa do tro bụi từ núi lửa Agung phun trào có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay, chiều 29/11, sân bay quốc tế trên đảo Bali, Indonesia đã được mở cửa trở lại. |
Theo AirNav, quyết định khôi phục lại các hoạt động của sân bay được đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp đánh giá các điều kiện thời tiết, các cuộc thử nghiệm và dữ liệu từ AirNav cũng như các tổ chức khác.
Hãng hàng không Singapore Airlines cho biết sẽ nối lại các chuyến bay từ Singapore tới Bali vào hôm nay.
Trong khi đó, Qantas Airways của Australia cho biết, chi nhánh của hãng là Jetstar sẽ vận hành 16 chuyến bay tới Australia trong ngày 30/11 để đưa 3.800 hành khách mắc kẹt về nhà. Trước đó, hàng nghìn du khách bị mắc kẹt tại Bali, Indonesia sau khi nhà chức trách đóng cửa sân bay quốc tế trên hòn đảo du lịch này, vì sợ tro của núi lửa Agung đang phun trào có thể gây nguy hiểm cho máy bay và các hành khách.
Người phát ngôn Sân bay quốc tế Ngurah Rai tại Bali, ông Arie Ahsanurrohim cho biết, tính đến ngày 29/11, khoảng 430 chuyến bay đã bị hủy bỏ, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của khoảng gần 60.000 hành khách đến và đi từ sân bay này.
Người dân địa phương và du khách bị mắc kẹt trên hòn đảo đã được phát mặt nạ đặc biệt do lo ngại vụ phun trào lớn sắp xảy ra.
Hiệp hội nhà hàng và khách sạn của Indonesia cho biết khách du lịch mắc kẹt tại khách sạn có thể ở lại miễn phí. Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị các phương tiện vận chuyển thay thế cho hành khách bị ảnh hưởng bởi núi lửa Agung phun trào.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thừa nhận khai man về quan hệ với Nga
Ngày 1/12, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia do ông Trump chỉ định Michael Flynn thừa nhận đã khai man với Cục Điều tra Liên bang (FBI) về mối quan hệ với Nga
Đây là quan chức cấp cao nhất của Mỹ bị buộc tội trong cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo bản cáo trạng, ngày 24/1, ông Flynn đã "cố tình" nói sai sự thật khi khẳng định với FBI rằng ông không thảo luận với Đại sứ Nga tại Mỹ khi đó là ông Sergey Kislyak về các lệnh trừng phạt Moscow của chính quyền tiền nhiệm.
Cơ quan công tố cho biết ông Flynn đã trao đổi với một thành viên hàng đầu trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Donald Trump về sự liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ.
Theo các công tố viên liên bang, ông Flynn cũng nhận chỉ đạo từ "một thành viên cấp rất cao" trong đội ngũ chuyển giao của Tổng thống Trump liên quan đến một cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc hồi tháng 12/2016.
Ông Flynn hiện là nhân vật trung tâm trong cuộc điều tra của Quốc hội, FBI và Bộ Quốc phòng Mỹ về các cáo buộc liên quan đến cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử Mỹ." Ông Flynn đã phải từ chức Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ hồi tháng 2 sau khi thừa nhận từng tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ khi còn đảm nhiệm cương vị cố vấn tranh cử của ứng cử viên đắc cử Tổng thống Donald Trump và không thông báo đầy đủ về cuộc gặp này. Cho đến nay, giới chức Nga đều phủ nhận những cáo buộc của phía Mỹ về can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, khẳng định điều này là "vô căn cứ" và "phi lý." Tổng thống Trump cũng bác bỏ mọi cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông đồng lõa với Nga.