Thế khó quốc phòng của Nhật Bản!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong bối cảnh chạy đua hạt nhân khốc liệt, Nhật Bản buộc phải suy nghĩ lại về chủ trương không phổ biến vũ khí hạt nhân suốt nhiều thập kỷ qua.

Giới chức Nhật Bản đang lo ngại nước này thiếu năng lực răn đe hạt nhân đối với các đối thủ của mình, đặc biệt là Trung Quốc. 

Nhiều chính trị gia cao cấp, trong đó có cả cựu bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo phe đối lập đã nhấn mạnh tầm quan trọng của răn đe hạt nhân sau nhiều thập kỷ nước này cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân.  

Năm 1967, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua ba nguyên tắc phi hạt nhân: không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.

Năm 1968, Thủ tướng Nhật Bản Eisaku Sato tái khẳng định mục tiêu này và bổ sung các cam kết hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và tiếp tục dựa vào khả năng răn đe mở rộng của Hoa Kỳ.

Tiếp đó, Nhật Bản phê chuẩn Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1976 và Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện vào năm 1997. Không chỉ vậy, Tokyo đã liên tục đệ trình các dự thảo nghị quyết ủng hộ giải trừ quân bị lên Đại hội đồng Liên Hợp quốc và tham gia nhiều sáng kiến không phổ biến vũ khí.

Cựu chánh văn phòng nội các Yasuo Fukuda tuyên bố việc sẽ sửa đổi ba nguyên tắc phi hạt nhân, sau khi cấp phó của ông tuyên bố việc sở hữu vũ khí hạt nhân là hợp hiến.

Năm 2006, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Shoichi Nakagawa đã đề xuất một cuộc thảo luận công khai về mua vũ khí hạt nhân.

Năm 2017, cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba đề xuất lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất Nhật Bản nhưng bị bác bỏ.

Tuy nhiên, bất chấp tiềm lực kỹ thuật hùng mạnh, Nhật Bản vẫn không mua vũ khí hạt nhân mà hoàn toàn dựa vào tiềm lực của Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến quốc gia này gặp nhiều khó khăn trước cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Asia Times nhận định.

Các vụ thử hạt nhân và tên lửa ngày càng phức tạp của Triều Tiên vào vùng tiếp giáp Nhật Bản đã khiến nước này phải vài lần sơ tán người dân.

Nhật Bản đang thực hiện phi hạt nhân hóa bất chấp bối cảnh phức tạp ở Thái Bình Dương. Nguồn: Asia Times
Nhật Bản đang thực hiện phi hạt nhân hóa bất chấp bối cảnh phức tạp ở Thái Bình Dương. Nguồn: Asia Times

Một số nhà phân tích dự đoán Nhật Bản sẽ tìm kiếm khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình song song với phi hạt nhân hóa ba nước láng giềng. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán này, Nhật Bản vẫn luôn duy trì lập trường từ chối hạt nhân trong nhiều thập kỷ.

Đầu Chiến tranh Lạnh, cam kết của Nhật Bản liên quan đến sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế toàn cầu đã buộc quốc gia này phải đẩy mạnh phi hạt nhân hóa cũng như giới hạn chi tiêu quốc phòng ở mức 1% GDP.

Thêm vào đó, không giống Hàn Quốc, có đến 75% người dân Nhật tham gia khảo sát vào năm 2019 phản đối việc sở hữu vũ khí hạt nhân thông qua ủng hộ phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, trước động thái quân sự quyết liệt của Triều Tiên, Nhật Bản bắt đầu tăng cường các cuộc tập trận chung với các đồng minh cũng như ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng mới với Úc và Vương quốc Anh.

Thêm vào đó, vào năm 2022, ông Kishida đã hướng tới mục tiêu nâng mức chi tiêu cho quốc phòng lên 2% vào năm 2027.

Bên cạnh đó, với vai trò chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào giữa tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đang tìm kiếm những cơ hội liên quan đến vấn đề hạt nhân cũng như tăng cường vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác.