Tại Hà Nội, TP cũng vừa ban hành đề án về vấn đề này, sẽ thí điểm thi tuyển một số chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP. Đây là một bước đi tiếp theo của TP, thể hiện sự đột phá trong công tác cán bộ.
Như nhiều chuyên gia đã nhận định, thi tuyển chức danh lãnh đạo chính là một trong những cách làm cần thiết để đổi mới cách thức tuyển chọn, góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”, tạo động lực và nhiệt huyết cho công chức khác tiếp tục cống hiến. Hơn nữa, việc thi tuyển cũng góp phần tăng cường dân chủ, đổi mới công tác cán bộ, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi cán bộ thể hiện đạo đức, tài năng và có động lực phấn đấu, vươn lên.
Từ chỗ mang tính thí điểm ở một vài đơn vị, thi tuyển lãnh đạo ngày càng được thực thi nhiều hơn, ở nhiều chức vụ ở cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương, kể cả cấp tổng cục. Như các kết quả được tổng kết cũng như thực tiễn, bước đầu đã tạo được môi trường cạnh tranh, mở rộng phạm vi, đối tượng đăng ký dự tuyển; tránh tình trạng “xin - cho” hoặc có lúc, có nơi, việc giới thiệu, bổ trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ còn tình trạng đúng quy trình nhưng không đúng người… Đồng thời, các văn bản liên quan đến vấn đề này cũng dần được hoàn thiện từ chỉ đạo của Ban tổ chức T.Ư, hướng dẫn của ngành Nội vụ và các tỉnh, thành với những quy trình ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục bất cập. Tại nhiều địa bàn, việc thi tuyển đã trở thành việc phổ biến và được dư luận đánh giá cao…
Tại Hà Nội, việc triển khai thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo như Quyết định số 219/QĐ-UBND sẽ thực hiện từ tháng 1/2022 đến hết năm 2022 và tổng kết, rút kinh nghiệm. Trong đề án này, TP quy định rõ về các nhóm chức danh thi tuyển, đối tượng dự tuyển, yêu cầu cần thiết, cách thức tiến hành các bước chi tiết… Đây là cơ sở quan trọng để tạo một bước đột phá mới, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cán bộ các cấp.
Như những mục tiêu được xác định, việc thi tuyển sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm. Đồng tời, cũng tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; tạo tính năng động trong công tác cán bộ.
Để đảm bảo chất lượng, một trong những nguyên tắc được TP nhấn mạnh là tính công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn.
Từ thực tế trong những năm qua cũng như việc các tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội xây dựng và triển khai đề án thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo được kỳ vọng sẽ biến việc phải làm này trở thành phổ biến. Đồng thời, để khắc phục những hạn chế, cũng cần có cơ chế cụ thể để giám sát, có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh. Khi đã trở thành phổ biến và đạt chất lượng như mong muốn, việc thi tuyển sẽ tạo ra cơ chế tốt hơn để các cơ quan, đơn vị chủ động thu hút cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, cũng kiểm soát được hoạt động tuyển dụng tràn lan, thiếu công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng công tác này để thu lợi riêng.