Thêm chế tài bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi giao dịch trên mạng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 25/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, Dự Luật đã hoàn thiện quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch trên không gian mạng.

Bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng Dự Luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số.

Dự Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Dự Luật hiện có 7 Chương, 80 Điều, được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6/5/2021.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Dự Luật đã bổ sung thêm một chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, Dự Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù. Trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Đề nghị xử lý trách nhiệm khi đơn vị kinh doanh làm lộ thông tin người tiêu dùng

Trong Báo cáo thẩm tra Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo Tờ trình của Chính phủ, nhất là với việc bổ sung các đối tượng áp dụng là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan”, “tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để có thể bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, đặc biệt là giao dịch có yếu tố nước ngoài và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng.

Dự Luật bổ sung quy định một số giao dịch đặc thù như: Giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp; nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử; tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Quang cảnh Kỳ họp
Quang cảnh Kỳ họp

Về sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Dự Luật quy định cho phép chia sẻ thông tin người tiêu dùng cho bên thứ ba để phân tích phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao mà không cần người tiêu dùng cho phép. Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, thực tế ở cả trong và ngoài nước đều cho thấy mặc dù có cam kết bằng văn bản nhưng vẫn khó bảo đảm bên thứ ba tuân thủ việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Do đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 10 về việc chia sẻ thông tin cho bên thứ ba là nội dung phải thông báo cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng đồng ý.

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, có ý kiến trong Ủy ban đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin người tiêu dùng bị lộ” thuộc 03 hành vi quy định tại khoản 1 Điều 12. Đồng thời, bổ sung hành vi mua, bán thông tin của người tiêu dùng

Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Có ý kiến đề nghị quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành 1 điều riêng để thể hiện vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng.