Doanh nghiệp hào hứng
Mặc dù là lần đầu tiên đem thủy đặc sản đặc trưng của tỉnh Bình Định ra Hà Nội giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mai thực phẩm Thảo Nguyên(Quy Nhơn, Bình Định) Nguyễn Thảo Nguyên cho biết: Doanh nghiệp tham dự hội chợ lần này với mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Ngay trong ngày khai mạc, đã có nhiều nhà bán lẻ tìm đến đơn vị gặp gỡ, tìm hiểu, đặt vấn đề đưa sản phẩm thủy sản Bình Định vào hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội tiêu thụ.
Với vai trò cơ quan đầu mối quảng bá các sản phẩm địa phương, Trung tâm khuyến công & xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang mang theo hơn 50 sản phẩm đặc trưng như mì chũ, bưởi da xanh, cam đường canh, một số loại nông sản khác... tham gia hội chợ. Đại diện Trung tâm cho biết, doanh nghiệp Bắc Giang đưa nhiều sản phẩm đặc sản tham dự hội chợ nhằm mục đích mở rộng thị trường, thu hút thêm đối tác, khách hàng, đặc biệt là tìm thêm các đầu mối xuất khẩu sản phẩm.
Ngày đầu tham gia hội chợ, đã có nhiều nhà bán lẻ như Megamart, Big C, và BRGmart và một số doanh nghiệp cung ứng quy mô lớn ở Hà Nội gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu thông tin về các sản phẩm đặc sản Bắc Giang và hẹn thời gian tìm hiểu nơi sản xuất, tiến tới ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho hay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đặc sản vùng miền khai thác thị trường Hà Nội, tiêu thụ sản phẩm, HPA tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất với hệ thống bán lẻ hiện đại như Vinmart, Big C, BRG mart... và sàn thương mại điện tử Sendo, Voso...
Đặc biệt, HPA còn hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh thành tham dự hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các tổ chức, doanh nghiệp, đại sứ quán, văn phòng đại diện thương mại của doanh nghiệp quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ vậy, trong thời gian diễn ra hội chợ, HPA tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử… Ngoài ra, 500 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội thêm cơ hội tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm đặc sản vùng miền.
Đưa đặc sản tiếp cận người tiêu dùng
Thực tế cho thấy, Hội chợ Đặc sản vùng miền không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kết nối cung cầu với nhà bán lẻ mà còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận sản vật đặc trưng của các tỉnh thành.
Chị Nguyễn Thị Hương (Cư dân Time City) chia sẻ năm nào cũng vậy, kể từ khi có hội chợ này, chị đều dành thời gian đi tham quan và mua sắm bởi hội chợ giới thiệu rất nhiều món hàng đặc sản của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý, được bảo đảm về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Thực tế cho thấy đến với Hội chợ Đặc sản vùng miền, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm đặc sản vùng miền ngon, lạ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, nông sản thực phẩm, thủy hải sản tươi sống, chế biến của các tỉnh vùng biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang, Bình Định…; Thịt lợn, thịt trâu gác bếp của các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang; cam Cao Phong, Hà Giang, Hàm Yên; xoài Cao Lãnh; cà phê (Buôn Ma Thuột)... cùng với các loại măng, miến, mộc nhĩ… của nhiều vùng miền hội tụ trong thời gian diễn ra hội chợ.
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021 với quy mô 135 gian hàng, trưng bày gần 10.000 mặt hàng, sản phẩm đặc trưng của 46 tỉnh, thành phố trong cả nước tại 6 trung tâm thương mại: Vincom Mega Mall Royal City, Vincom Mega Mall Times City, Vincom Plaza Long Biên, Big C Long Biên, Big C Lê Trọng Tấn và Big C Hồ Gươm. Ngoài ra, hội chợ còn tổ chức các khu quảng bá đặc sản vùng miền tại 20 siêu thị thuộc hệ thống Winmart và BRGmart trên địa bàn TP Hà Nội. “Việc tổ chức hội chợ nhiều điểm đã tạo điều kiện cho người dân Thủ đô tiếp cận mua sắm đặc sản vùng miền nhưng hạn chế di chuyển, phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”- bà Mai Anh nêu rõ.
Có thể thấy, qua 7 năm tổ chức, Hội chợ Đặc sản vùng miền đã trở thành một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của TP Hà Nội, trở thành cầu nối giao thương cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong nước với các nhà nhập khẩu, hệ thống bán lẻ hiện đại và người tiêu dùng. Qua đó, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản vùng miền đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và các tỉnh thành quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu, và cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa. Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương |