70 năm giải phóng Thủ đô

Thêm cơ hội Trung Quốc "kéo" châu Âu lại gần?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc đảo chính quân sự ở Niger cũng nằm trong số các vấn đề được hai bên thảo luận.

Bắc Kinh đã xác nhận rằng lãnh đạo phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell sẽ đến thăm Trung Quốc vào mùa Thu, chuyến đi từng bị hoãn hai lần – lần đầu tiên do ông nhiễm Covid-19, sau đó là sự vắng mặt đột ngột của ngoại trưởng lúc đó là ông Tần Cương. 

Josep Borrell, quan chức đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của EU, sẽ đến thăm Bắc Kinh vào mùa thu. Ảnh: EPA.
Josep Borrell, quan chức đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của EU, sẽ đến thăm Bắc Kinh vào mùa thu. Ảnh: EPA.

Trong một cuộc điện đàm hôm 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định với ông Borrell rằng “Trung Quốc hoan nghênh” nhà ngoại giao EU và phái đoàn “tham gia đối thoại chiến lược vào mùa Thu này để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thông qua các cuộc trao đổi rộng rãi và sâu sắc”.

Đối thoại chiến lược hàng năm là tiền đề cần thiết cho hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, dự kiến diễn ra cuối năm nay.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Borrell nói rằng “mong muốn được đến thăm Trung Quốc và tiến hành các cuộc đối thoại chiến lược càng sớm càng tốt để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU-Trung Quốc”.

Trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc luôn “lạc quan về việc thúc đẩy quan hệ với EU và đánh giá cao các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu đã được lên kế hoạch trong năm”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc đảo chính quân sự ở Niger cũng nằm trong số các vấn đề được hai bên thảo luận.
Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng hồi tháng trước đưa tin, ông Borrell đã “dự kiến” đồng ý thăm Trung Quốc vào tháng 10, sau khi gặp ông Vương Nghị bên lề một cuộc họp của ASEAN ở Jakarta.

Trong cuộc điện đàm với Borrell, Bộ trưởng Vương Nghị đã duy trì lời kêu gọi của ông Tần Cương về mối quan hệ Trung Quốc-EU chặt chẽ hơn - một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các động thái của Brussels nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Vương cho biết Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều “cơ chế đối thoại” hơn để bù đắp cho sự sụt giảm trao đổi giữa Bắc Kinh và Brussels trong thời kỳ đại dịch và “tiềm lực mới và mạnh mẽ” vào mối quan hệ.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong quan hệ với các đối tác thương mại chính của EU như Pháp và Đức, nhưng các quốc gia thành viên EU vào tháng trước đã tái khẳng định kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng.

Vào tháng 6, Berlin đã công bố chiến lược đầu tiên về Trung Quốc, trong đó bao gồm kế hoạch giảm rủi ro cho mối quan hệ của Đức với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo các báo cáo trước đó, ông Borrell dự định tham gia vào “tất cả các vấn đề” với Bắc Kinh trong chuyến thăm tháng 7 bị hủy bỏ của ông, bao gồm “quan hệ đối tác”, “cạnh tranh” và “đối thủ có hệ thống”.

Ông cũng được cho là sẽ thảo luận về “các vấn đề chiến lược”, bao gồm nhân quyền, chiến sự Nga-Ukraine và các quan chức cấp cao khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 7, ông Borrell cho biết mình "hoàn toàn đảm bảo" rằng cuộc họp bị hoãn sẽ diễn ra trong năm nay, trước hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tiếp theo.