Hiện một số đơn vị cũng áp dụng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Dù vẫn còn những quan điểm khác nhau, nhưng có thể thấy, đây là một giải pháp tốt để ngăn ngừa, phát hiện sai phạm và tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như quy định này, hàng năm, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải rà soát tối thiểu 20% số cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
“Cán bộ ta không phải là nghèo, nhưng kê khai lại rất nghèo” - đó là nhận định đã từng được đề cập đến nhiều lần khi nói về câu chuyện kê khai, xác minh tài sản của cán bộ. Bởi về nguyên tắc việc kê khai đề cao tính tự giác, trung thực, rõ ràng, chính xác, nhưng thực tế tính hình thức vẫn diễn ra, không ít trường hợp bất thường hoặc kê khai cho có. Trong khi đó, những cơ chế để tố cáo việc kê khai không trung thực hoặc kiểm soát việc kê khai không hợp lý vẫn chưa được thực thi đầy đủ.
Để thực sự kiểm soát được tài sản của cán bộ, xác minh bản kê khai phải được thực hiện với toàn bộ, nhưng thực tế đây là một việc không dễ khả thi bởi số lượng bản khai rất lớn. Nên việc chọn ngẫu nhiên bản kê khai để xác minh có thể chưa giải quyết được triệt để vấn đề, nhưng cũng có thể tìm ra được thực chất của câu chuyện nếu có bất thường, đặc biệt ít nhiều mang tính răn đe để siết lại việc kê khai tài sản, thu nhập. Bởi mỗi cán bộ phải kê khai phải thấy rằng, nếu không trung thực, nguy cơ bị phát hiện, bị xử lý đều có thể xảy ra rất lớn.
Như con số thống kê được trình tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2022, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Đó cũng là con số rất đáng chú ý.
Đúng như nhiều ý kiến đã nhận định, muốn ngăn được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản và việc thanh tra, xác minh các bản kê khai là biện pháp phòng ngừa rất quan trọng. Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể về kê khai, kiểm soát bản kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc công khai, xác minh ngẫu nhiên, xử lý nghiêm minh việc không trung thực sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, làm cho họ “không thể tham nhũng" bởi những chính sách chặt chẽ, minh bạch, có tác dụng kiểm soát lẫn nhau; “không dám tham nhũng" vì sợ bị phát hiện, xử lý.
Nhưng để việc này hiệu quả cũng cần có những cách làm minh bạch, khách quan và đúng quy định. Và người đứng đầu phải thực sự quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch kê khai và trách nhiệm giải trình. Bởi chỉ khi việc kiểm soát đúng, hiệu quả được việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, mới tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Tránh tình trạng số lượng kê khai nhiều, nhưng đúng, sai ra sao rất khó “nhận diện” và xử lý.