Theo kế hoạch, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ quyết định có chấp nhận khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu hay không trong hội nghị thượng đỉnh từ ngày 14-15/12 tới.
Trước đó, hôm 8/11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã khuyến nghị các quốc gia thành viên EU bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine.
Đàm phán chỉ có thể được khởi động khi có sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên.
Trong khi đó, tờ EUObserver trong tuần này đưa tin một số thành viên chủ chốt của EU đã bày tỏ quan điểm phản đối việc Kiev trở thành một phần của khối này. Áo, Pháp và Hungary nói sẽ không ủng hộ kết nạp Ukraine, trong khi Đức tỏ ra thận trọng về việc này.
“Tiếp bước Hungary, chắc chắn Áo cũng sẻ không ủng hộ khuyến nghị của EC về việc thảo luận xem xét tư cách thành viên của Ukraine” - EUObserver dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao giấu tên của EU cho hay.
Phát biểu vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã bác bỏ về khả năng EU đẩy nhanh quá trình xem xét kết nạp Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi năm ngoái tuyên bố rằng Ukraine có thể phải mất “nhiều thập kỷ” mới trở thành thành viên chính thức của EU.
Tuy nhiên, Hungary được coi là trở ngại chính đối với Ukraine trong việc hiện thực hóa kế hoạch gia nhập EU. Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch hồi tháng 2/2022. EU hồi tháng 6/2022 cấp tư cách ứng viên gia nhập cho Ukraine.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi đầu tháng đã cảnh báo, Ukraine “hoàn toàn chưa sẵn sàng” cho các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 8/11 tuyên bố, các điều kiện hiện tại không phù hợp để EU xem xét kết nạp Ukraine trở thành thành viên.
Ngoại trưởng Szijjarto cho rằng việc EU đánh giá sự tiến bộ của Ukraine trong nỗ lực thực hiện cải cách, pháp quyền hoặc bất kỳ tiêu chí nào khác để kết nạp Kiev trong bối cảnh xung đột là điều "vô lý".
Hãng tin AP đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp của đảng Fidesz ngày 18/11, Thủ tướng Orban tuyên bố Budapest sẽ phản đối các cuộc thảo luận dự kiến vào giữa tháng 12 tới bàn về việc có chính thức mời Ukraine bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU hay không.
Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng tôi sẽ là sửa lại lời cam kết sai lầm là bắt đầu đàm phán với Ukraine, vì Kiev vẫn còn cách xa EU nhiều năm ánh sáng".
Ông Orban hôm 18/11 đã tái đắc cử Chủ tịch đảng Fidesz lần thứ 11 liên tiếp kể từ năm 2003. Thủ tướng Orban khẳng định, việc phản đối Ukraine gia nhập EU sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền của ông trong những tháng tới.
Đồng thời, Thủ tướng Hungary cũng cảnh báo sẽ phản đối kế hoạch của EU nhằm cung cấp gói viện trợ trị giá gần 53 tỷ USD cho Ukraine trong vòng 4 năm tới.
Hungary là thành viên của EU và NATO nhưng theo đuổi đường lối trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, chính quyền Budapest đã phản đối trừng phạt nhằm vào nguồn năng lượng từ Moscow và việc gửi vũ khí tới Kiev.
Theo nhà báo Rikard Jozwiak của đài RFE/RL (Radio Free Europe/Radio Liberty, các cuộc thảo luận về gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga của EU đã bị đình trệ do sự phản đối từ Hungary.
Tờ The Guardian tiết lộ, gói trừng phạt mới nhất của EU bao gồm các hạn chế đối với hàng loạt cá nhân, trong đó có con trai của cựu tổng thống Nga và phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga đương nhiệm, Dmitry Medvedev và một người họ hàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đã áp đặt 11 gói trừng phạt chống Moscow. Số lượng các hạn chế đã lên đến hàng chục nghìn bất chấp việc các quan chức EU và Mỹ nhiều lần thừa nhận rằng tác động của chúng chưa thực sự hiệu quả. Các lệnh trừng phạt này nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Nga, các tổ chức tài chính và thương mại, cũng như đưa vào danh sách đen hàng trăm cá nhân và pháp nhân của Moscow.