Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tại cuộc thi trò chơi dân gian về cua lần đầu tiên được tổ chức.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tại cuộc thi trò chơi dân gian về cua lần đầu tiên được tổ chức.

Trói và đua cua tốc độ

Sáng 25/12, tại Quảng trường phường 5, TP Cà Mau, đã diễn ra cuộc thi đua cua tốc độ và trói cua trình diễn. Theo Ban tổ chức, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện, TP Cà Mau; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thương lái, người chuyên sản xuất cua và các khu, hộ du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đam mê về cua đều được đăng ký tham gia thi đấu.

Hai đường đua dành cho các "vận động viên cua"
Hai đường đua dành cho các "vận động viên cua"

Theo đó, mỗi cá nhân được đăng ký không quá 5 “cua thủ.” Các “vận động viên cua” thi đấu ở 3 hạng cân gồm: Trọng lượng từ 300 gram đến dưới 400gram; từ 400 gram đến dưới 500 gram và từ 500 gram trở lên. Cự ly thi đấu là 5m và được thi đấu trên đường đua là máng nhân tạo, có chiều ngang 25cm và chiều cao 30cm. Điều lệ đặc biệt là cua đăng ký dự thi phải có nguồn gốc tại các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và một phần huyện Cái Nước (nơi tiếp giáp với Năm Căn, Đầm Dơi). Những khu vực này sẽ được đăng ký không hạn chế số lượng cua thi đấu.

Cua là loài đi ngang, nên việc điều khiển chúng đi theo hướng đua là điều rất khó.

Trong quá trình thi đấu, sau khi trọng tài có hiệu lệnh xuất phát, các “cua thủ” bắt đầu đua. Cua nào về đích trước được xem như thắng cuộc và được tiếp tục vào thi đấu vòng sau. Trong lúc thi đấu, chủ cua được quyền dùng tay hoặc vật dụng chạm lên mu cua (không quá 2 lần) để kích thích, hỗ trợ khi cua đang đua dừng lại.

Những con cua biển hung hãn dễ dàng bị chinh phục bởi người trói cua lành nghề.

Anh Trần Thanh Luận, 50 tuổi, một trong số khán giả tại Cà Mau cổ vũ đua cua đã rất ngạc nhiên. Theo anh Trần Thanh Luận, khi còn nhỏ, trói cua và đua cua là những trò chơi dân gian của trẻ con lúc rảnh rỗi. Cua là loài chỉ đi ngang, không đi về phía trước và sau, nên mới có câu “ngang như cua". Việc trói cua hay điều khiển cua di chuyển theo hướng thẳng là rất khó. “Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến trò chơi dân gian trói cua, đua cua được tái hiện với đầy đủ quy cách vừa mới lạ hấp dẫn, nhưng lại thân quen mang đậm đặc trưng của vùng đất Cà Mau" – anh Trần Thanh Luận nói.

Các "vận động viên cua" được cân trước khi vào đường đua.
Các "vận động viên cua" được cân trước khi vào đường đua.

Ông Tạ Hoàng Hiện - Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau thông tin: “Giải đua cua năm nay có gần 100 con/mỗi hạng cân đã đăng ký tham gia tranh tài. Trong ngày, Ban tổ chức sẽ kết thúc và trao giải thưởng Nhất, Nhì, Ba cho cả 3 hạng cân. Riêng ở phần thi trói cua, đơn vị huyện Năm Căn đạt giải Nhất; đơn vị huyện Ngọc Hiển đạt giải Nhì và đơn vị huyện Đầm Dơi đạt giải Ba.”

Hai "vận động viên cua" vào vạch xuất phát
Hai "vận động viên cua" vào vạch xuất phát

Trải nghiệm câu cua

Trước đó, ngày 23/12, nhiều du khách đã được trải nghiệm tự đi câu cắm cua, trói cua tại Điểm dừng chân Tư Tỵ ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Năm Căn.

Du khách thích thú được trải nghiệm tự câu cua
Du khách thích thú được trải nghiệm tự câu cua

Du khách Trần Trung Nghĩa, quê ở huyện Phú Tân - Cà Mau cho biết: Hoạt động câu cua hình thành từ rất lâu đời. Từ xưa, người dân đã dùng cần câu đặc biệt để bắt cua. Theo đó, cần câu không dài, dây câu được kết nối với một đoạn dây chì chứ không phải lưỡi. Đoạn dây chì này có nhiệm vụ giữ chặt mồi để dẫn dụ cho cua ăn. Mồi cua là một mẩu cá tươi, hay con lịch hoặc rắn.

Tự trói cua như một nông dân Cà Mau
Tự trói cua như một nông dân Cà Mau

Theo anh Trần Trung Nghĩa, khi cắm câu xong, du khách đi trên bờ quan sát, hễ nhìn thấy dây câu kéo thẳng, cần câu rung nhịp là cua đang ăn mồi. Người đi câu nhẹ nhàng bước xuống mé nước, một tay nhổ cần câu, tay kia cầm vợt thủ sẵn. Kéo nhẹ cần lên khỏi mặt nước, khi nhìn thấy càng cua là nhanh chóng dùng vợt bắt cua.

Hồi hộp đợi cua cắn câu
Hồi hộp đợi cua cắn câu

Nhưng cũng không dễ, muốn vợt được cua phải nương tay theo chúng, từ từ đưa lên. Cua mê ăn, bỏ chân bám đất, càng kẹp chặt con mồi, theo đà kéo từ từ trồi lên mặt nước. Vừa thấy càng cua hiện ra, người câu dùng vợt xúc thật nhanh, mới tóm gọn được con cua. Nhiều con rất khôn ngoan, nếu kéo nhanh hoặc thoáng thấy bóng người lập tức buông mồi lặn mất tăm.

Một chú cua háu ăn vừa bị tóm bằng vợt
Một chú cua háu ăn vừa bị tóm bằng vợt

“Tôi cảm thấy trải nghiệm câu cua thật lý thú. Đặc biệt là khi nhấc cần câu lên từ từ và dùng cây vợt vớt con cua thì cảm giác thật sung sướng. Du khách đến Mũi Cà Mau nên trải nghiệm thử một lần câu cua để tận hưởng trọn vẹn cảm giác này,” chị Yến, nhà ở Cà Mau chia sẻ.

Bắt và trói cua thực sự quá khó đối với nhiều người
Bắt và trói cua thực sự quá khó đối với nhiều người

Ở vùng nuôi, cua sau khi câu được đem lên bờ vuông kiểm tra chọn lựa. Người nuôi bóp vào phần vỏ bụng cua, con nào nghe cảm giác cứng tay là bắt, những con cua thân còn cảm giác mềm thì chưa đạt chất lượng, phải thả lại nuôi tiếp. Điều này cũng lý giải vì sao cua Cà Mau khi đến tay người tiêu dùng đều có chất lượng ngon nhất.

Trạm dừng chân Tư Tỵ ở Rạch Gốc, Năm Căn là một trong nhiều điểm để du khách trải nghiệm câu cua.
Trạm dừng chân Tư Tỵ ở Rạch Gốc, Năm Căn là một trong nhiều điểm để du khách trải nghiệm câu cua.

Thi "Đua cua tốc độ và trói cua trình diễn" ở Cà Mau

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong chuỗi sự kiện ngày hội cua Cà Mau lần thứ I năm 2022, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc thi trò chơi dân gian: “Đua cua tốc độ và trói cua trình diễn.”

Tin liên quan