Đây là cuộc thi trực tuyến thu hút số lượng lượt người tham gia lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội.
Hiểu hơn về dịch vụ công trực tuyến
Theo báo cáo của Sở TT&TT, Hà Nội hiện có 1.055 DVCTT, đạt 55% TTHC của TP được triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Tuy nhiên, thực tế sự tham gia của người dân, tổ chức đối với các DVCTT mức độ 3, 4, đặc biệt cấp xã còn hạn chế.
Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa chuyển tải, giới thiệu được giá trị của việc sử dụng dịch vụ đến được với mọi người dân. Mặt khác, do thói quen, tâm lý hoặc do hạn chế về khả năng CNTT nên nhiều người chưa sử dụng DVCTT. Trong khi đó, việc đăng ký thực hiện các TTHC được thực hiện theo cách truyền thống vừa tốn thời gian, chi phí, vừa không thuận tiện.
Qua việc tham gia cuộc thi, CBCCVC và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP thấy được lợi ích, hiệu quả của DVCTT mang lại. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT và kết quả giải quyết TTHC như giúp tiết kiệm chi phí, chống tiêu cực trong quá trình giải quyết TTHC, mang lại chính lợi ích thiết thực cho người dân.
Cuộc thi cũng tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng DVCTT của TP, tạo diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai và thực hiện DVCTT của TP.
Ngoài việc giúp TP Hà Nội thực hiện tốt trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử TP, qua việc nâng cao hiểu biết của người dân về DVCTT, cuộc thi cũng góp phần thay đổi tư duy, thói quen khi công dân, tổ chức tham gia đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các TTHC. Đồng thời, cuộc thi còn mang ý nghĩa trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào phổ biến, giáo dục pháp luật.
Học sinh - công dân điện tử tương lai
Quá trình diễn ra cuộc thi, cũng có ý kiến băn khoăn việc TP khuyến khích sự tham gia của các học sinh cấp 2 liệu có phù hợp? Thông tin về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương – Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho rằng, khi đưa đối tượng học sinh THCS (từ đủ 12 tuổi trở lên), Ban Tổ chức cuộc thi đã cân nhắc kỹ.
Thực tế, học sinh THCS rất say mê khám phá, ứng dụng CNTT. Các em cũng đã được tiếp cận với CNTT qua các bài giảng ứng dụng CNTT, nhiều môn học đã được tích hợp qua phần mềm. Nhiều trường đã giao bài tập về nhà qua mạng cho học sinh và tương tác giữa giáo viên - học sinh.
Bên cạnh đó, cuộc thi trực tuyến trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng cho các em trong cuộc sống sau này. Các học sinh có thể biết đến các DVCTT, hiểu quy trình DVCTT; khai thác, sử dụng DVCTT dù đạt ở mức độ nào, cũng là khởi đầu để các em trở thành công dân của thành phố thông minh trong tương lai.
Ngoài ra, việc đưa các học sinh từ 12 tuổi tham gia dự thi cũng để thông qua các em, tuyên truyền đến phụ huynh và các thành viên trong gia đình hiểu biết, sử dụng về DVCTT của TP. Thực tế, với ưu thế về khả năng tiếp cận, sử dụng thiết bị công nghệ, các em được kỳ vọng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tới gia đình, bạn bè và trở thành những công dân điện tử tương lai, phù hợp với mục tiêu xây dựng nền hành chính điện tử.
"Kết quả quan trọng, tích cực nhất mà cuộc thi mang lại không chỉ dừng lại ở con số bao nhiều bài tham gia dự thi, mà qua đó cuộc thi đã tạo ra một cuộc vận động lớn để đông đảo CBCCVC, người lao động và Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội tham gia, hiểu thế nào là DVC, DVCTT, hiểu các mức độ DVCTT." - Bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) |