Thi tốt nghiệp THPT 2014: Đề xuất hai phương án mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm nhẹ áp lực với việc bỏ đi 2 trong 6 môn thi bắt buộc, thay bằng 2 môn thi tự...

Kinhtedothi - Giảm nhẹ áp lực với việc bỏ đi 2 trong 6 môn thi bắt buộc, thay bằng 2 môn thi tự chọn và giao chỉ tiêu miễn thi tốt nghiệp tới 20% trong năm 2014. Đây là dự thảo về phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được Bộ GD&ĐT công bố trong buổi họp báo chiều 2/1.

Hai phương án

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã gây áp lực cho học sinh (HS), tốn kém cho xã hội, bức xúc trong dư luận; chưa thực sự kích thích HS phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện. Do đó, qua đánh giá ưu, nhược điểm của các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, Bộ đưa ra hai phương án dự kiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Phương án 1, thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Phương án 2, thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Điểm đáng chú ý là môn Ngoại ngữ sẽ không nằm trong số các môn bắt buộc cũng như tự chọn. HS có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển tốt nghiệp. Tùy theo xếp loại của bài thi sẽ được cộng số điểm tương ứng. Ví dụ: Bài thi Ngoại ngữ được 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm…

 
Các em học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp 2013 tại Hội đồng thi trường THPT Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Các em học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp 2013 tại Hội đồng thi trường THPT Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ miễn thi tốt nghiệp cho các HS có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Bộ sẽ xác định tỷ lệ miễn thi chung cho các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%, (trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này). Tuy nhiên, để có thể quyết định về thay đổi lớn này, Bộ cũng xác định sẽ phải đưa ra những tiêu chí cơ bản cho HS được miễn thi, làm cơ sở cho các Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường THPT.

Giảm áp lực thi

Với nhiều câu hỏi đưa ra, Bộ GD&ĐT có áp dụng phương án thi mới ngay trong năm 2014? HS hiện học rất nhiều môn, sao chỉ thi 4 môn? Liệu có xảy ra tình trạng học lệch?...

Xoay quanh vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đây chưa phải là phương án cuối cùng, mà đang lấy ý kiến đóng góp từ dư luận. Song, dù là phương án nào thì cũng chỉ áp dụng từ nay đến trước khi HS học chương trình mới. Khi chương trình chưa thay đổi thì việc kiểm tra, đánh giá cũng chỉ đổi mới, điều chỉnh ở một mức độ nhất định. "Bộ đang xin ý kiến xem lúc nào thì áp dụng được. Nếu nhận được sự đồng tình sẽ áp dụng ngay từ năm 2014. Với câu hỏi, liệu thay đổi này có đột ngột quá không? Tôi khẳng định là không, vì mức độ yêu cầu của đề thi vẫn nằm trong nội dung kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, chỉ khác ở môn thi và số lượng môn thi. Còn tỷ lệ miễn thi 20% dựa trên cơ sở nào? Theo tôi, trong tập thể bao giờ cũng có một nhóm tiên tiến. Kinh nghiệm những năm trước thì tỷ lệ khá, giỏi thường ở trên 20%. Nên Bộ quyết định lấy tỷ lệ 20%. Tỷ lệ này sẽ giảm áp lực cho HS, giảm 20% số phòng thi, giám thị, đề thi, bớt căng thẳng" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Với những lo ngại về miễn thi tốt nghiệp sẽ xảy ra tiêu cực, ảnh hưởng chất lượng giáo dục;... Thứ trưởng cho rằng, trước đây anh nào đạt chuẩn thì miễn, nên có tình trạng cố gắng làm cho đạt chuẩn. "Giờ đây 20% là trách nhiệm cá nhân, tập thể ở cơ sở. Bộ có quy chế về thi, kiểm tra, đánh giá, đấy là công cụ của Bộ. Bộ không quy định chặt chẽ, chi tiết. Còn về địa phương, các địa phương có rất nhiều cách làm. Đúng, sai là trách nhiệm ở cơ sở. Về phương thức ban hành chính thức phương án thi mới, Bộ sẽ có phương án thi ổn định cho đến năm có lứa HS đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới. Tức là sẽ chỉ có một lần thay đổi nữa. Bây giờ xin ý kiến, theo quy định, sẽ còn ít nhất 3 tháng nữa để soạn quy chế mới để công bố cho HS, có thời gian cho HS chủ động"- ông Nguyễn Vinh Hiển nói.