Thị trường bất động sản chờ cú hích từ việc giảm lãi suất

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất điều hành. Cộng đồng DN bất động sản (BĐS) kỳ vọng, việc giảm lãi suất sẽ tạo ra tác động tích cực cho quá trình phục hồi của thị trường.

Lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất điều hành. Cộng đồng DN bất động sản (BĐS) kỳ vọng, việc giảm lãi suất sẽ tạo ra tác động tích cực cho quá trình phục hồi của thị trường.
Lãi suất buộc phải giảm
Tại Quyết định số 313/QĐ-NHNN ngày 14/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố giảm lãi suất điều hành (1%). Đáng chú ý, từ cuối tháng 2/2023 hàng loạt ngân hàng thương mại như Techcombank, Sacombank, MB, SeABank... đã thực hiện chính sách giảm lãi suất tiền vay.

Cụ thể, MB triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất; Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt… ưu đãi lãi suất với mức giảm từ 1 - 2% so với lãi suất thông thường.
Đặc biệt, ngay cả những “ông lớn” như: BIDV, Agribank, Vietinbank... cũng đồng loạt công bố các chương trình giảm lãi suất các gói tín dụng với ưu đãi giảm từ 1 – 3% bao gồm cả BĐS.

Trong đó, Agribank tiên phong thực hiện chính sách này từ ngày 31/1/2023, với BĐS mức giảm là 3% so với lãi suất cho vay đang áp dụng, thời gian thực hiện điều chỉnh đến 31/12/2023, áp dụng lãi suất điều chỉnh từ 31/1/2023 đến hết 31/12/2024.
Tương tự, BIDV dành khoản vay với lãi suất 10,9%/năm trong 18 tháng giải ngân đầu cho khách hàng vay mua nhà ở, áp dụng giảm thêm 0,2 - 0,4% cho khách vay mua nhà tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV.

Ngân hàng VietinBank cũng thông báo dành 10.000 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 vay với lãi suất vay từ 7%/năm, kỳ hạn 6 tháng...

Giảm lãi suất điều hành của ngân hàng tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực cho các DN kinh doanh bất động sản. Ảnh: Hải Linh
Giảm lãi suất điều hành của ngân hàng tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực cho các DN kinh doanh bất động sản. Ảnh: Hải Linh


Theo đánh giá, việc hệ thống ngân hàng giữ mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động cao trong thời gian qua về mặt vĩ mô là để kiểm soát tình trạng lạm phát nhưng ngược lại sẽ làm mất đi sự cân bằng trong quá trình phân bổ vốn đầu tư vào thị trường.

 

Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh. Mặc dù ngân hàng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như chi phí vốn tăng cao, rủi ro nợ xấu... nhưng vẫn tiết giảm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, cho thấy ngân hàng rất có trách nhiệm hỗ trợ DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cũng phải luôn theo sát diễn biến thị trường, có giải pháp phù hợp mang tính thị trường. Cách thức điều hành này cũng tạo động lực để ngân hàng ứng xử có trách nhiệm hơn với khách hàng, nền kinh tế.
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia,
TS Võ Trí Thành

Bởi lãi suất cao DN sẽ không đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận so với chi phí vốn nên sẽ hạn chế hoặc tạm dừng vay vốn đầu tư. Còn người dân sẽ tìm kênh “trú ẩn” an toàn cho dòng tiền thông qua gửi tiết kiệm, lãi suất cũng không thua kém nhiều so với các kênh đầu tư khác nên DN không thể huy động được vốn đầu tư.
“Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Nếu không giảm lãi suất sẽ là vấn đề thách thức vô cùng lớn cho thị trường vốn và mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo” - Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân phân tích.
Cần linh hoạt điều kiện vay vốn
Nhìn nhận một cách khách quan, nếu lãi suất điều hành và lãi suất huy động ở mức cao trong thời gian gần đây kéo dài sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nên về bản chất việc ngân hàng giảm lãi suất nằm trong tình thế bắt buộc, chỉ là nhanh hoặc chậm.

Nhưng có thể thấy động thái này của ngành ngân hàng được xem là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho ngành BĐS nói riêng và toàn nền kinh tế. Với việc điều chỉnh lần này, được kỳ vọng lãi suất cho vay đối với DN dao động từ 12 – 13%, phù hợp để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Trong năm 2023, nhu cầu vốn của DN tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn.

Do đó, DN sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, giảm lãi suất không chỉ hỗ trợ DN có điều kiện tốt hơn để tái hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn giúp ngân hàng có thanh khoản, tăng trưởng tín dụng cao hơn” - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng động thái giảm lãi suất cũng mang đến tín hiệu tích cực đối với nhóm người thu nhập thấp, bởi hiện nay gói tài chính 120.000 tỷ đồng theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đưa vào triển khai, với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất thông thường.
“Việc cấp vốn vay ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP) đang gặp nhiều khó khăn.

 

Thời gian qua, lãi suất cho vay cao đã tác động tiêu cực đến tính thanh khoản của thị trường BĐS. Người mua sẽ cân nhắc tới vấn đề thu chi và không xuống tiền mua khiến thanh khoản xuống thấp. Còn DN BĐS bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi khó khăn ở kênh trái phiếu và lãi suất cao. Việc các ngân hàng hạ lãi suất là tin vui cho thị trường nhưng để thực hiện được còn phụ thuộc vào độ ổn định của tình hình kinh tế và các yếu tố vĩ mô. Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng cần phải linh hoạt hơn đối với điều kiện xét duyệt hồ sơ vay vốn, đặc biệt là của DN.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Nhưng với động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thì ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay cá nhân xuống từ 10 – 11%/năm, sau đó hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội thêm 1,5 – 2%, tức là người mua nhà chỉ chịu mức lãi suất khoảng 8,5%. Như vậy là rất tốt rồi, nó cũng góp phần kích cầu mua nhà trong thời gian tới” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho hay.
Có thể khẳng định, động thái giảm lãi suất điều hành của ngành ngân hàng đã tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực cho toàn bộ nền kinh tế và lĩnh vực BĐS nói riêng, nhưng thực tế DN vẫn đang trong tình trạng thấp thỏm chờ đợi và lo ngại về việc tiếp cận được nguồn vốn vay.

Bởi theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong nửa đầu tháng 3/2023 tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí một số ngân hàng tín dụng tăng trưởng âm; tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng chỉ đạt 0,4%.
“Lãi suất giảm nhưng thực tế dòng tiền thật đi vào thị trường chưa nhiều. Bởi hiện nay những yêu cầu về vay vốn do ngân hàng đưa ra rất khó để các DN có thể đáp ứng được trừ những tập đoàn lớn. Nhiều DN đang bị ngân hàng đánh giá tài sản chỉ còn một nửa, nên hạn mức cho vay cũng giảm hoặc không đủ điều kiện để duyệt hồ sơ vay vốn.

Vì vậy, để cơ chế này thực sự có ý nghĩa đối với cộng đồng DN, phía ngân hàng cần linh hoạt hơn đối với điều kiện cho vay, nhất là với những DN vừa và nhỏ để DN không bị rơi vào tình trạng nợ xấu” – chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho hay.