Thị trường bất động sản Hà Nội: Chênh lệch nguồn cung tiếp diễn

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) tại Hà Nội tiếp tục cho thấy sự chênh lệch về cơ cấu sản phẩm khi những dự án dự kiến mở bán hoặc bàn giao trong năm 2022 đến thời điểm hiện tại đều là sản phẩm trung, cao cấp.

"Lệch pha” về cơ cấu sản phẩm

Tham khảo số liệu thống kê từ batdongsan.com.vn, đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán khá cao (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên) hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp.

Cụ thể, như: Dự án The Park Home (Cầu Giấy) 38 - 42 triệu đồng/m2; Dự án The Nine (Cầu Giấy) 42 - 50 triệu đồng/m2; Dự án Trinity Tower (Thanh Xuân) khoảng 38,5 triệu đồng/m2; hay dự án Mipec Rubik 360 (Cầu Giấy) được giao bán với mức 48 - 53 triệu đồng/m2... Đáng chú ý, trong năm 2022 cũng sẽ có khoảng 13 dự án biệt thự, nhà phố gia nhập thị trường.

Sau một thời gian dài “chống chọi” với đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan về sự hồi phục và triển vọng tăng trưởng. Căn cứ vào tình hình thực tế thị trường nhà ở, nguồn cung tương lai dự kiến sẽ chủ yếu đến từ các dự án đặt tại ngoại thành, như: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng...

Thị trường bất động sản Hà Nội đang thiếu hụt sản phẩm nhà ở giá thấp. (Ảnh: Doãn Thành).
Thị trường bất động sản Hà Nội đang thiếu hụt sản phẩm nhà ở giá thấp. (Ảnh: Doãn Thành).

“Chúng tôi nhận thấy có một xu hướng dịch chuyển đầu tư sang khu vực lân cận do giá BĐS khu vực nội thành đã thiết lập ở mức cao, kỳ vọng về khả năng sinh lời thấp hơn. Nhà đầu tư thường tìm cơ hội ở những quận, huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... có tiềm năng sinh lời cao hơn” - Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhìn nhận.

Đánh giá khách quan, mặc dù thị trường có xu hướng dịch chuyển sang vùng ngoại thành sẽ tạo điều kiện giảm tải áp lực tăng giá cho thị trường khu vực nội đô. Thế nhưng vấn đề “lệch pha” về cơ cấu sản phẩm đang gây ra áp lực không nhỏ dẫn tới mất cân đối trong quan hệ cung - cầu, khi nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa, nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển thiếu tính ổn định, bền vững của thị trường BĐS.

“Số lượng sản phẩm nhà ở trung - cao cấp chiếm đến trên 90% nguồn cung của thị trường, áp đảo hoàn toàn so với những sản phẩm giá thấp, gây mất cân đối cung cầu, không đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Hiện nay, theo báo báo sơ bộ từ các địa phương, lượng sản phẩm nhà ở trung cao cấp đang thừa từ 70 - 100 triệu/m2” - đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay.

Hạn chế cấp phép dự án mới?

Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững.

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022 cũng tăng cường phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở. Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc từ 50.000 người trở lên.

Xoay quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ làm giảm tải quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư, giúp dự án được nhanh chóng đưa vào triển khai, khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Nhưng để giải quyết vấn đề lệch pha về cơ cấu nguồn cung sản phẩm cần sự quyết liệt từ chính quyền.

“Tôi cho rằng, đã đến lúc phải hạn chế hoặc tạm dừng cấp phép mới cho những dự án nhà ở cao cấp để dành quỹ đất ưu tiên cho dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Phải chặt chẽ, quyết liệt ngay từ khâu thẩm định cấp phép và làm một cách công tâm, minh bạch vì lợi ích của đại bộ phận người dân, như vậy mới khắc phục được những vướng mắc về chênh lệch cơ cấu sản phẩm nhà ở hiện nay” - ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.