Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản Ninh Thuận kỳ vọng vào quy hoạch và sân bay

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáu tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản Ninh Thuận trầm lắng khi chỉ ghi nhận hơn 1.600 giao dịch. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường tiềm năng khi các quy hoạch của địa phương đang dần hoàn thiện và sân bay Thành Sơn vừa được đưa vào quy hoạch cảng hàng không quốc gia.

Giao dịch trầm lắng 6 tháng đầu năm

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Ninh Thuận, trong quý II/2023, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh vẫn trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận không có dự án khu đô thị, nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, dẫn đến nguồn cung BĐS không có sự biến động. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó hoặc các dự án có quy mô nhỏ, sở hữu cá nhân.

Thị trường BĐS Ninh Thuận trầm lắng trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Trung Nhân.
Thị trường BĐS Ninh Thuận trầm lắng trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Trung Nhân.

So với cùng kỳ năm 2022, số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua công chứng, chứng thực trong quý II/2023 có sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua công chứng là 495 trường hợp (giảm 639 trường hợp so với quý II/2022); số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua chứng thực 196 (giảm 78 trường hợp so với quý II/2022).

Nếu so với lượng giao dịch BĐS quý I/2023, thì lượng giao dịch quý II không có nhiều biến động với lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua công chứng là 497 trường hợp và số lượng giao dịch về đất ở, nhà ở qua chứng thực 181 trường hợp.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn ghi nhận 201 giao dịch từ đất nền và nhà ở riêng lẻ trong quý II/2023. Theo Sở Xây dựng Ninh Thuận, thời gian qua giá giao dịch BĐS không có nhiều biến động, trung bình khoảng 8-16 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, ông Võ Hoàng Gia Bảo Kha – Phó Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Kiến Thành – chủ đầu tư dự án khu dân cư Tháp Chàm Xanh cho biết, thị trường BĐS Ninh Thuận vẫn đang phục hồi chậm do nhóm nhà đầu tư đang dành sự quan tâm cho các thị trường có “sóng” như Khánh Hòa và Bình Thuận.

Ninh Thuận ghi nhận 201 giao dịch từ đất nền và nhà ở riêng lẻ trong quý II/2023.
Ninh Thuận ghi nhận 201 giao dịch từ đất nền và nhà ở riêng lẻ trong quý II/2023.

“Ngoài ra, hiện Ninh Thuận không có nhiều dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mở bán nên thị trường BĐS tại Ninh Thuận khá trầm lắng dù giá thấp hơn rất nhiều so với các địa phương lân cận. Đặc biệt là các khu vực gần biển chỉ có giá khoảng 30-60 triệu đồng/m2” – ông Bảo Kha nhận định.

Kỳ vọng bứt phá khi quy hoạch hoàn thành

Tuy nhiên, ông Bảo Kha nhận định, hiện các cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam Trung bộ đã và đang được triển khai để đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển cho khu vực này.

Cũng theo ông Kha, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có CHK Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Cùng với đó là ngành du lịch đang dần phục hồi tạo động lực cho Ninh Thuận phát triển và thu hút các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Như Nguyên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh đã trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn của các địa phương.

Ninh Thuận hiện có 16 dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được chấp thuận chủ trương, đang triển khai, hoàn thành. Ảnh: Trung Nhân.
Ninh Thuận hiện có 16 dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được chấp thuận chủ trương, đang triển khai, hoàn thành. Ảnh: Trung Nhân.

Đồng thời, các dự án BĐS đã giúp Ninh Thuận tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy sử dụng hợp lý tài nguyên đất; cụ thể hóa các đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

“Thị trường BĐS tại Ninh Thuận đang dẫn hình thành nhưng chủ yếu là tập trung vào loại hình đất ở tại các khu đô thị, khu dân cư, căn hộ nhà ở xã hội và căn hộ nghỉ dưỡng. Riêng dự án nhà ở thương mại đang trong quá trình thi công và kêu gọi đầu tư nên đến nay vẫn chưa phát sinh giao dịch.

Theo đó, lượng giao dịch BĐS hàng năm trên địa bàn tỉnh còn thấp, chủ yếu là giao dịch về đất nền và nhà ở, không có các loại hình khác như biệt thự cho thuê, văn phòng kết hợp lưu trú. Loại hình nhà ở xã hội gần như được giao dịch hết qua các đợt xét nhu cầu cho các đối tượng đủ điều kiệm mua, thuê mua theo quy định” – ông Nguyễn Như Nguyên nhận định.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 16 dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được chấp thuận chủ trương, đang triển khai, hoàn thành (gồm 13 dự án khu dân cư, khu đô thị mới; 1 dự án nhà ở xã hội; 2 dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng).

Ngoài ra, Ninh Thuận đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư 4 dự Khu đô thị mới Khánh Hải, Khu đô thị mới Bắc sông Ông; khu đất sân vận động Khánh Hải, Dự án Nhà ở xã hội Khu tái định cư Thành Hải.

Các cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam Trung bộ đang dần hình thành tạo lực đẩy cho các địa phương khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: Trung Nhân.
Các cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam Trung bộ đang dần hình thành tạo lực đẩy cho các địa phương khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: Trung Nhân.

Đặc biệt, ngày 12/5/2023, HĐND tỉnh Ninh Thuận đã có Nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch trên, tỉnh Ninh Thuận xác định 5 lĩnh vực quan trọng gồm năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh BĐS. Quy hoạch cũng xác định hai động lực phát triển của tỉnh là kinh tế biển và kinh tế đô thị.

“Về phát triển đô thị, đến năm 2025 tỉnh Ninh Thuận có 9 đô thị gồm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là đô thị loại 2, hai đô thị loại 4 và sáu đô thị loại 5. Đến năm 2030, tỉnh có 12 đô thị gồm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là đô thị loại 2, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, bốn đô thị loại 4 và 7 đô thị loại 5.

Ninh Thuận cũng phát triển và hình thành sáu đô thị ven biển gồm Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná. Đây sẽ là cơ sở để thị trường BĐS Ninh Thuận phát triển trong thời gian tới” – ông Nguyễn Như Nguyên cho biết.

 

Theo ông Phan Tấn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền cơ sở đều chú trọng công tác lập quy hoạch, nhằm xác định những hướng đi hiệu quả và bền vững.

Theo đó, Ninh Thuận đã thuê tập đoàn Monitor của Mỹ và tập đoàn Arup của Anh, để lập chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đồ án quy hoạch phát triển TP Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh. Hiện, Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai lập quy hoạch chung khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ và quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030.