Thị trường dầu mỏ và khí đốt có thể biến động mạnh trong tuần này sau khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ chống Hamas tại Gaza.
Trong ngày 28/10, những máy bay chiến đấu của lực lượng phòng vệ Iran (IDF) đã tấn công 150 mục tiêu dưới lòng đất ở phía Bắc Gaza chỉ trong một đêm.
Các chuyên gia năng lượng nhận định rủi ro lớn nhất đối với giá dầu là cuộc xung đột Hamas-Israel lan rộng tại Trung Đông, khu vực chiếm 1/3 nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Iran, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu tại Trung Đông và ủng hộ Hamas và các nhóm chiến binh khác trong khu vực, cuối tuần qua cảnh báo việc Israel phát động chiến dịch trên bộ tại Dải Gaza sẽ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 29/10 tuyên bố Israel đã vượt qua “lằn ranh đỏ” và có thể buộc tất cả mọi người phải hành động. Trước đó, Tổng thống Raisi nói trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera rằng Iran sẽ phớt lờ những cảnh báo của Mỹ về việc can thiệp vào cuộc xung đột Palestine - Israel.
Giá dầu đã leo dốc hơn 3% lên mức cao nhất trong một tuần vào ngày 27/10 trước nỗi lo rằng căng thẳng giữa Israel và Hamas có thể biến thành một cuộc xung đột rộng hơn và làm gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Sau phiên giao dịch đầy biến động, giá dầu WTI tăng 3,2% lên hơn 85 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI hiện thấp hơn mức đỉnh 90 USD/thùng đạt được sau khi cuộc xung đột bùng nổ hồi đầu tháng này.
Cho đến nay, những diễn biến tại Trung Đông không trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung dầu, nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu từ Iran và các nước khác trong khu vực.
Nhà phân tích năng lượng Giovanni Staunovo tại UBS Group AG nói với tờ Bloomberg: “Thị trường dầu mỏ thế giới đang đối mặt rủi ro về nguồn cung nếu cuộc xung đột Hamas-Israel lan rộng tại Trung Đông. Giá dầu có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn mặc dù cho đến nay chưa có báo cáo nào về sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ”.
Bên cạnh đó, các cuộc giao tranh giữa Israel với lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon cuối tuần qua càng khiến tâm lý của giới thương nhân thêm bất an. Trong khi đó, kịch bản xấu nhất đối với thị trường dầu mỏ thế giới là nguy cơ gián đoạn tại Eo biển Hormuz, tuyến đường thủy vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất tại Trung Đông.
Theo BCA Research, cuộc xung đột tại Trung Đông leo thang có nguy cơ đẩy giá dầu tăng đột biến trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
Không giống như nguồn cung dầu mỏ, thị trường khí đốt tại Trung Đông đã ghi nhận hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do cuộc xung đột Hamas-Israel.
Theo phân tích của công ty Rystad Energy của Mỹ, cuộc xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang hoặc kéo dài sẽ có những tác động lớn đến thị trường khí đốt khu vực, dù Israel dư cung khí đốt và đang hỗ trợ nhu cầu gia tăng của Ai Cập và Jordan.
Ngoài ra, số phận của 3 dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Israel là Tamar, Leviathan và Karish cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường khu vực Trung Đông.
Mỏ khí đốt Tamar của Israel đã bị đóng cửa sau các cuộc tấn công của Hamas hồi đầu tháng này. Dự án mỏ Tamar đáp ứng hơn 70% nhu cầu khí đốt trong nước của Israel và là nguồn cung cấp chính cho sản xuất điện từ khí đốt. Khoảng 5-8% sản lượng khí đốt của mỏ Tamar dành cho xuất khẩu.
Sản lượng thiếu hụt tại Tamar đã được bù đắp một phần nhờ sự gia tăng sản lượng tại mỏ Leviathan, chiếm 44% sản lượng khí đốt hiện nay của Israel. Tuy nhiên, nếu việc đóng cửa mỏ Tamar kéo dài, nó có thể làm giảm không chỉ nguồn cung cho Israel, mà còn ảnh hưởng xuất khẩu điện sang Ai Cập trong dài hạn.
Đây sẽ là lý do làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu khí đốt trong nước ngày càng tăng của Ai Cập và cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)
Ai Cập hôm 29/10 thông báo lượng nhập khẩu khí đốt từ Israel đã giảm xuống mức bằng 0. Ai Cập nhập khẩu khoảng 7 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ mỏ Tamar và Leviathan để áp ứng nhu cầu trong nước cũng như cung cấp cho các nhà máy sản xuất LNG.
Trong bối cảnh tình hình thị trường LNG toàn cầu đang rất căng thẳng, khả năng Ai Cập giảm nguồn cung, mặc dù tương đối nhỏ, vẫn sẽ gây áp lực tăng giá khí đốt ở châu Âu và châu Á vào đầu mùa Đông năm nay.
Giám đốc điều hành của TotalEnergies Patrick Pouyanne hôm 29/10 cảnh báo thị trường khí đốt ở châu Âu hiện đang bị thắt chặt và bất kỳ sự cố nào cũng có thể khiến giá tăng vọt. Giá khí đốt tại châu Âu đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10 ở mức 550 USD/1.000 m3.