Thị trường lao động hồi phục: Doanh nghiệp tuyển gấp nhiều lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ tháng 3/2022, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động nhằm hỗ trợ các DN tuyển dụng người lao động (NLĐ) phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đông đảo người lao động tham gia ứng tuyển tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên năm 2022. Ảnh: Trần Oanh  
Đông đảo người lao động tham gia ứng tuyển tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên năm 2022. Ảnh: Trần Oanh  

Các giải pháp hỗ trợ

Thị trường lao động ở Hà Nội phục hồi rất rõ, nhu cầu tuyển dụng lao động ngày một tăng theo mục tiêu và sự phát triển của DN. Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm… tổ chức các phiên GDVL lưu động năm 2022 đã thu hút rất đông DN tham gia tuyển dụng với nhiều chỉ tiêu ở các vị trí việc làm khác nhau.

Chia sẻ với báo chí tại phiên GDVL lưu động quận Long Biên năm 2022, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho hay: Chúng tôi xác định là sẽ phải xây dựng những kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải quyết việc làm cho NLĐ, để đóng góp vào sự phát triển chung của quận.

Đặc biệt là hai năm qua, các DN, NLĐ có tay nghề, lao động yếu thế, kể cả giáo viên đều mất việc làm, cuộc sống khó khăn, Nhà nước phải trợ cấp rất nhiều. Vì thế, ngay từ đầu năm 2022, khi xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm, quận đã đề ra những giải pháp từ công tác tuyên truyền đến phối hợp tổ chức phiên GDVL thiết thực, hiệu quả.

Ban đầu, khi quận Long Biên xây dựng kế hoạch tổ chức phiên GDVL quận Long Biên năm 2022, chỉ có hơn 40 DN tham gia; tuy nhiên bằng những giải pháp truyền thông, các kênh thông tin tuyên truyền, quận đã kết nối được tới các quận, huyện bạn trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Và sau 1 tháng đã có gần 90 DN đăng ký với gần 9.000 chỉ tiêu (gấp hơn 2 lần so với năm 2020), trong đó có sự đồng hành của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam muốn tuyển hơn 800 người lao động.

Là địa phương có hơn 3.000 DN, hàng năm huyện Gia Lâm giới thiệu việc làm cho khoảng 8.200 người lao động. Sau dịch Covid-19, các DN phục hồi sản xuất nên rất cần công nhân quay trở lại làm việc và có nhu cầu tuyển thêm nhiều nhân sự cho các vị trí. Vì thế, năm nay được TP giao giới thiệu 8.200 người lao động nhưng huyện Gia Lâm cố gắng vượt mức 30%.

Để đạt được kết quả giao, Phòng LĐTB&XH Gia Lâm phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho NLĐ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; cùng với đó là khảo sát cung cầu lao động trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm nắm rõ nhu cầu của NLĐ, DN và là cầu nối giữa hai bên.

“Dự kiến năm 2023, huyện Gia Lâm trở thành quận, cơ cấu công nghiệp hóa và phát triển các ngành dịch vụ; giảm số người làm nông nghiệp trực tiếp nên huyện kết hợp với các trường nghề mở những lớp dạy nghề Cơ khí, May,… đáp ứng nhu cầu thực tế của các DN trên địa bàn” - bà Phạm Thị Tâm - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm thông tin.

Tiếp tục kết nối người lao động và doanh nghiệp

Do nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều để bù đắp số nhân sự bị thiếu hụt cũng như mở rộng sản xuất kinh doanh nên nhiều công ty đã tìm mọi nguồn ứng viên. Các công ty thuộc Tổng Công ty Hàng hàng không Việt Nam - Vietnam Airline đi đến những trường đại học, kết nối với nhiều địa phương để tìm nhân sự. Khi Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với quận Long Biên tổ chức phiên GDVL lưu động là một trong những giải pháp để DN này tuyển đủ số lượng chỉ tiêu cần thiết cũng như thu hút lao động chất lượng cao.

“Tổng Công ty Hàng không Việt Nam không hạn chế việc tuyển ứng viên phi công vì mỗi năm cần tối thiểu 80 - 100 người. Đây là con số chúng tôi mong muốn nhưng thực tế hàng năm tuyển được ít hơn, dù mức lương khởi điểm thấp nhất là 80 triệu đồng/tháng…” - Tổng Giám đốc, Hiệu trưởng trường Phi công Bay Việt thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Nguyễn Nam Liên cho biết.

Công ty CP Đầu tư Long Biên, Tổng Công ty May 10, Công ty May Đức Giang, Tập đoàn Hoa Sen, hệ thống các siêu thị… cũng đang cần tuyển nhiều lao động vào làm việc ở các ngành nghề, mức lương từ 5 - 30 triệu đồng/tháng cùng những chế độ hấp dẫn đi kèm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không dễ khi thị trường lao động phục hồi, các DN đều đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong khi nguồn cung lao động khan hiếm.

Trao đổi về việc kết nối cung cầu lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin: "Thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển thị trường lao động giải quyết việc làm năm 2022 của TP, theo chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trung tâm tiếp tục phối hợp với phòng LĐTB&XH các quận, huyện tổ chức những phiên GDVL lưu động.

Mục tiêu của việc tổ chức các phiên GDVL tại các quận, huyện là giải quyết tốt nhất những vấn đề về việc làm cho NLĐ, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động để kịp thời phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19”.

Phó Giám đốc Vũ Quang Thành cũng chia sẻ về việc trước khi tổ chức các phiên GDVL, Trung tâm đều có khảo sát, đánh giá theo từng địa bàn, thị trường về mong muốn tìm việc của NLĐ, nhu cầu và điều kiện tuyển dụng của DN. Phiên GDVL lưu động chỉ diễn ra trong 1 ngày, tất cả những nhu cầu tuyển dụng từ phía DN được cung cấp đến NLĐ trên địa bàn từ trước đó.

Vì thế, những lao động đang đi tìm việc, đã được tuyên truyền sẽ đến phiên để gặp gỡ trực tiếp DN, tham gia ứng tuyển. Với những người chưa có điều kiện đến phiên hoặc chưa tiếp cận, tìm hiểu được thì Trung tâm DVVL Hà Nội phối hợp với phòng LĐTB&XH quận, huyện để cung cấp thông tin thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng đến với đông đảo NLĐ.

Trong thời gian này và tới đây, cùng với việc thực hiện các phiên GDVL hằng ngày, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng các DN và địa phương, DN trên địa bàn nhằm kết nối tốt nhất và tạo ra nhiều việc làm cho NLĐ.