Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nước giải khát: Dư địa lớn, doanh nghiệp Việt bối rối giữ thị phần

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường nước giải khát Việt Nam với doanh số lên đến hàng tỷ USD đang là miếng bánh màu mỡ được các doanh nghiệp nước ngoài khai thác. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội phát triển khi đầu tư sản xuất sản phẩm đặc trưng phù hợp nhu cầu người dân.

Sức hút của thị trường đồ uống Việt

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trung bình, người Việt chỉ tiêu thụ 23 lít nước giải khát/năm. Trong khi người tiêu dùng thế giới sử dụng 40 lít/năm nên tiềm năng thị trường nước giải khát Việt Nam còn rất lớn.

Giám đốc Điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Louise Hawley cho biết, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15 - 54 tuổi chiếm gần 62,2% nên có nhu cầu cao về các loại nước giải khát. Riêng năm 2023, doanh thu ngành nước giải khát Việt Nam đạt 8,25 tỷ USD, dự kiến sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2027.

Người tiêu dùng mua nước ngọt Fanta do Coca Cola sản xuất tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua nước ngọt Fanta do Coca Cola sản xuất tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam

Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường này, doanh nghiệp nước ngoài đang đổ tiền đầu tư sản xuất trực tiếp, hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2017, ThaiBev (công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan) đã đầu tư 5 tỷ USD để mua lại 53,59% CP của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tương tự Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco với sản phẩm sữa đậu nành, sau một thời gian liên doanh với Uni - President (Đài Loan) đã liên tục thua lỗ nên phải bán 43,6% CP cho đối tác liên doanh.

Thống kê của Hiệp hội bia rượu-nước giải khát (VBA) cho thấy, thông qua hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt, hiện Coca Cola đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn  nước ngoài. Tương tự, năm 2002, Pepsi Việt Nam cũng mua lại toàn bộ cổ phần của Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC). Bằng hoạt động sáp nhập, mua lại CP hiện sản phẩm nước giải khát của Coca Cola chiếm lĩnh trên 41% thị phần, Pepsi chiếm 22,7% thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng mua nước giải khát nhập ngoại tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua nước giải khát nhập ngoại tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Theo Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt, hViệt Nam có 1800 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, nhưng đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ nên có đến 52% doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, 10% hiện đại, chỉ có 2% dùng công nghệ cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thiếu liên kết, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA... Những yếu kém này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam chiếm thị phần.

Cơ hội nhiều, tận dụng thế nào?

Mặc dù thị phần nước giải khát đang bị doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội phát triển nếu biết cách khai thác thị trường “ngách” với các sản phẩm riêng.

Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Lê Phụng Hào thông tin, hiện người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng nước giải khát nguồn gốc hữu cơ có lợi cho sức khỏe vì vậy doanh nghiệp nên sản xuất các loại nước ép trái cây Việt Nam, trà thảo mộc không gas…

Để khai thác thị trường "ngách", một số doanh nghiệp Việt đã ra mắt sản phẩm thiên nhiên, chỉ tính riêng trà đã có hàng chục loại khác nhau. Vừa qua Công ty CP Traphaco đưa ra sản phẩm trà thảo dược Traphaco Boganic bầy bán tại 20.000 nhà thuốc bán lẻ và các siêu thị trên toàn quốc.

Người tiêu dùng mua sản phẩm trà chanh không độ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sản phẩm trà chanh không độ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, cuối năm 2021 Công ty Vibev (liên doanh giữa Vinamilk và Công ty CP Tập đoàn Kinh Đô) đã ra mắt 2 sản phẩm nước uống hương vị sữa bắp và sữa đậu xanh thương hiệu Oh Fresh. Đồng thời đặt mục tiêu sẽ đạt sản lượng 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành, giữ vị trí số 1 về thị phần ngành đồ uống tươi.

Không chịu thua kém Công ty CP Nafoods Group đã đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu gieo trồng đến chế biến nước trái cây cô đặc phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới.

Để bứt phá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành  cho rằng, sản xuất nước giải khát là ngành cạnh tranh khốc liệt, để có sự tăng trưởng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh. “Để khẳng định vị thế trên thị trường, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư  công nghệ sản xuất, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của địa phương như nguồn nguyên liệu, nhân lực…. Đồng thời chú trọng nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm cao cấp có lợi cho sức khỏe đón đầu thị trường tiêu thụ phân khúc này” - ông Thành nêu rõ.

Người tiêu dùng mua sản phẩm trà bí đao tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sản phẩm trà bí đao tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, muốn khai thác thị trường "ngách" bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ của nhà nước. Tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp Hiệp hội VBA vừa được tổ chức, doanh nghiệp có chung kiến nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt Bộ Tài Chính không nên đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Bởi điều này khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh hàng ngoại trong quá trình tiêu thụ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và kinh doanh đồ uống Thảo Mộc Mai Thị Tấn cho biết, đơn vị đang sản xuất siro giúp trẻ hóa cơ thể từ cây dược liệu Hibiscus, nếu dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài Chính được thông qua thì công ty phải đóng thuế tới 35% doanh thu, khiến doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Đồng tình với ý kiến này Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Thị Minh Thảo kiến nghị nhà nước cần xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.