Thị trường thép trong tuần vẫn mang gam "màu xám"

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong vòng 2 tháng, giá thép liên tục lao dốc với 11 lần điều chỉnh giá. Dù người tiêu dùng bớt được gánh nặng nhưng phần nào phản ánh khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các DN thép.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát đạt 4,023 tỷ đồng, giảm 58% trong quý 2/2022. Ảnh: Hòa Phát.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát đạt 4,023 tỷ đồng, giảm 58% trong quý 2/2022. Ảnh: Hòa Phát.

Tồn kho lớn

Với áp lực giá nguyên liệu giảm, vào ngày thứ Tư (27/7), nhiều DN sản xuất thép đã thông báo hạ giá các sản phẩm với mức giảm sâu, lên đến hơn 300.000 đồng/tấn so với lần giảm ngày 25/7.

Cụ thể, tại thị trường miền Bắc, thép Hòa Phát được điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn khoảng 15,6 triệu đồng/tấn và hơn 16,2 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Đức, với dòng thép cuộn CB240 giảm 300 đồng, xuống mức 15.250 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.010 đồng/kg - giảm 150 đồng.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh.

Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào.

Về vấn đề nguyên liệu, theo báo cáo của VSA, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 11/7/2022 giao dịch ở mức 113 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 33,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6/2022. Mức giá này giảm khoảng 100 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~210 – 212 USD/tấn); than mỡ luyện cốc từ 520 USD/tấn xuống còn khoảng 320 USD/tấn.

Các chuyên gia ngành thép cho rằng, do nhu cầu đầu tư xây dựng của thị trường trong nước giảm và giá nguyên liệu sản xuất lao dốc khiến cho giá mặt hàng thép liên tục điều chỉnh giảm thời gian qua. Nhu cầu thấp, dẫn tới hàng tồn kho các sản phẩm vẫn ở mức cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng lượng tồn kho của các DN thép trên sàn chứng khoán tính đến cuối quý II/2022, xấp xỉ lên đến 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ so với cuối quý I/2022. Trong đó, Hòa Phát với hơn 57.500 tỷ đồng - cao hơn 11.500 tỷ so với cuối quý III/2021.

Lợi nhuận sụt giảm

Giá thép liên tục giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến bức tranh lợi nhuận ngành thép. Hầu hết DN thép đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý II vừa qua, thậm chí lỗ.

Tình hình kinh doanh quý II/2022, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 37,714 tỷ đồng, tăng 7.3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 4,023 tỷ đồng, giảm 58%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 82 ngàn tỷ đồng doanh thu và 12.2 ngàn tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Trong quý II, mặc dù thị trường nguyên liệu trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga – Ucraina nhưng Tập đoàn Hòa Phát vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giá quặng sắt trên các sàn giao dịch tăng trở lại sau khi một báo cáo cho thấy Trung Quốc sẽ tung ra gói cứu trợ lên tới 300 tỷ Nhân dân tệ cho các công ty phát triển bất động sản. Ảnh minh họa
Giá quặng sắt trên các sàn giao dịch tăng trở lại sau khi một báo cáo cho thấy Trung Quốc sẽ tung ra gói cứu trợ lên tới 300 tỷ Nhân dân tệ cho các công ty phát triển bất động sản. Ảnh minh họa

Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng quý II/2022 đạt 1,8 triệu tấn, trong đó có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu. Tiêu thụ ống thép, tôn mạ lần lượt đạt 159.000 và 75.000 tấn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Sau nửa năm, bán hàng HRC của Hòa Phát ghi nhận 1,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.

Trong khi lợi nhuận của Hòa Phát giảm 58%, nhiều DN như: Hoa Sen Group, Thép SMC (mã SMC), Thép Thái Nguyên (mã TIS), Thép Mê Linh (mã MEL),... giảm mạnh hơn, có DN lên đến 80%.

Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm từ đầu tháng 6.

Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn tương đương sản lượng tháng 5/2022, cao hơn nhiều so với mức 56% sản lượng tháng trung bình 3 năm 2019 - 2021.

 

Giá quặng sắt phục hồi trên các sàn giao dịch sau khi chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra gói cứu trợ lên tới 300 tỷ Nhân dân tệ cho các công ty phát triển bất động sản bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc sẽ họp về tình hình kinh tế hiện nay và triển khai công tác kinh tế nửa cuối năm khiến nhiều DN nước này tái khởi động các lò cao không hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần