Tăng giá lần thứ 3
Ngày 14/9, thị trường trong nước đã có sự điều chỉnh, nhiều DN sản xuất thép đã tăng giá các sản phẩm. Cụ thể, thép Việt Đức điều chỉnh với dòng thép cuộn CB240 tăng 400 đồng, lên mức 15.120 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.630 đồng/kg - tăng 200 đồng.
Trong đợt này, thép Việt Nhật tăng giá mạnh nhất, vượt ngưỡng 15.000 đồng/kg được ghi nhận trong đợt này, với dòng thép cuộn CB240 từ mức 14.140 đồng/kg đã tăng 880 đồng, hiện có giá 15.020 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.220 đồng/kg - tăng 470 đồng.
Còn trong khi đó, thương hiệu thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 điều chỉnh tăng mạnh 400 đồng, lên mức 15.220 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tiếp tục duy trì mức giá 15.430 đồng/kg.
Việc các công xưởng sản xuất thép lớn tại châu Âu lâm vào cảnh hoạt động đình đốn được cho là yếu tố tích cực đối với thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp thép nội như: Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim nhờ đang sở hữu lượng hàng tồn kho giá trị lớn.
Cộng với việc giá thép trong nước đang có tín hiệu hồi phục sau gần 4 tháng giảm mạnh, áp lực đối vốn lượng tồn kho được đánh giá sẽ phần nào được giảm bớt.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế của Việt Nam tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 8 sản xuất thép thành phẩm đạt 1,9 triệu tấn, giảm 12% so với tháng 7 và giảm 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Bán hàng thép các loại đạt 2,1 triệu tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 4% với cùng kỳ 2021. Tính chung 8 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,2 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu thép đạt 4,5 triệu tấn, giảm 7%.
Xuất khẩu giảm
Cũng theo VSA, tháng 7/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 613,45 ngàn tấn, giảm 28,67% so với tháng trước và giảm 46,08% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 644,7 triệu USD, giảm 29,39% so với tháng 6/2022 và giảm 39,86% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,41 triệu tấn thép giảm 22,57% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5,63 tỷ USD ngang mức cùng kỳ năm 2021. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: khu vực ASEAN (40,39%), khu vực EU (17,78%), Hoa Kỳ (8,29%), Hàn Quốc (6,13%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (4,37%).
Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giá thép thế giới có dấu hiệu phục hồi trong khi nguyên liệu than cốc giảm giá; giá thép tăng khi khi nhu cầu tích trữ tăng lên và một số nhà máy thép tại Trung Quốc đang có dấu hiệu dần khôi phục lại hoạt động sản xuất sau một thời gian dài.
Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Úc ngày 6/9/2022 giao dịch ở mức khoảng 254,5 USD/tấn FOB, giảm hơn nửa so với mức xấp xỉ 520USD hồi tháng 4/2022 trước đó.
Giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 6/9/2022 giao dịch ở mức 97,75 - 98,25 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 10,8 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 8/2022. Mức giá này giảm khoảng 112-114 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (210 – 212 USD/tấn).
Agriseco cũng kỳ vọng giá bán thép trong nước sẽ phản ánh đà phục hồi này trong thời gian tới cùng với việc giá than cốc có xu hướng quay đầu giảm nhanh từ quý II/2022 sẽ giúp cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối năm nay.
Dài hạn hơn, việc Trung Quốc dừng gia hạn chính sách "Zero Covid" sẽ không chỉ kéo dài đà hồi phục của giá thép mà còn giúp cải thiện nhu cầu thép trên toàn cầu từ đó rút ngắn chu kỳ giảm của ngành.