Thị trường thịt lợn thiếu ổn định, vì sao?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thịt lợn liên tục lên xuống thất thường khiến cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng chóng mặt. Điều đó cho thấy sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn đang tồn tại rất nhiều vấn đề.

Trên thực tế, có thời điểm khủng hoảng thừa, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt hơn 20.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá lợn hơi tăng lên trên 100.000 đồng/kg. Việc giá lợn tăng quá cao, hay giảm quá thấp đều tác động mạnh tới nền kinh tế. Bởi trong tổng cơ cấu ngành chăn nuôi của nước ta, chăn nuôi lợn chiếm trên 60% giá trị.

Thị trường thịt lợn thiếu ổn định, vì sao? - Ảnh 1

Ngoài ra, thịt lợn cũng là thực phẩm chủ đạo trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng Việt. Trong cơ cấu các loại thịt đến năm 2025, thịt lợn chiếm khoảng 63 - 65%.

Sở dĩ thị trường thịt lợn thiếu ổn định là do sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường. Hiện tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta vẫn đang khá cao (chiếm 60%). Một bất cập nữa của ngành chăn nuôi lợn đó là quá phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Hơn 1 năm nay, giá lợn chịu áp lực lớn từ giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Đây là lý do khiến giá lợn tăng cao nhưng người chăn nuôi lại không mừng và lo sợ tái đàn thời gian qua.

Không chủ động được nguồn cung và thức ăn chăn nuôi, nên việc bình ổn giá thịt lợn là bài toán khó, làm đau đầu nhiều bộ, ngành liên quan. Trong khi đó, thị trường thịt lợn lại diễn ra một nghịch lý giữa giá lợn hơi xuất chuồng và giá thịt bán ngoài chợ.

Thường giá lợn từ cửa trại ra đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,5 - 1,7 lần. Nghịch lý này khiến cho thị trường thịt lợn vốn không ổn định lại càng bất ổn hơn, gây thiệt hại cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết.

Trên thực tế, vấn đề này nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết, song việc chuyển biến còn chậm. Từ nay tới cuối năm, dự báo giá thịt lợn còn tiếp tục tăng cao, do nhu cầu tăng và nguồn cung giảm.

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, định hướng phát triển chăn nuôi của nước ta đến năm 2030 với tổng đàn lợn có mặt thường xuyên quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Ngành chăn nuôi lợn cần tổ chức sản xuất chăn nuôi, tăng tỷ lệ trang trại quy mô lớn, áp dụng chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Mặt khác, tái đàn dựa theo tín hiệu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, để bình ổn thị trường thịt lợn, thiết nghĩ dù vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.

Việc cần làm ngay đó là các bộ, ngành liên quan cần kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng. Kiểm soát từ lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của DN, người chăn nuôi đến DN, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Từ đó, làm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần