Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường tiền ảo: phát triển nóng, thiếu khung pháp lý

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường tiền ảo (VA) phát triển nóng, nhưng thiếu khung pháp lý quản lý. Điều này khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng phát, Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, xây dựng chính sách quản lý về tải VA là rất cấp thiết.

Tiền ảo đang phát triển nóng tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Tiền ảo đang phát triển nóng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Tiền ảo phát triển nóng tại Việt Nam

Những năm gần đây, sự phát triển của nền kinh tế số đã góp phần sản sinh ra một loại tài sản mới - VA. Theo thống kê của Boston Consulting Group, đến năm 2030, VA nằm ở dạng token sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu, với quy mô tương đương 16.100 tỷ USD.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có hành lang pháp lý cụ thể, nhưng các giao dịch tiền VA vẫn diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Theo thống kê của Crypto Crunch App, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ VA.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), trong giai đoạn 10/2021 - 10/2022, giá trị VA Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Chia sẻ số liệu đáng lưu ý về thị trường VA tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) Trần Huyền Dinh thông tin, ở thời điểm tháng 5/2023, tổng giá trị giao dịch của người dùng Việt Nam chỉ riêng trên một sàn tài sản ảo top đầu đã vào khoảng 20 tỷ USD/tháng.

Thị trường giao dịch OTC (mua bán trực tiếp) VA ở Việt Nam mỗi ngày có quy mô không dưới 100 triệu USD. Đây là những số liệu thống kê ở thời điểm giữa năm 2023, khi giá trị Bitcoin chỉ khoảng 30.000 USD.

Trong bối cảnh thiếu khung pháp lý quản lý, đi cùng với sự phát triển nóng của thị trường, là số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến VA gia tăng báo động. Theo thống kê của cơ quan chức năng, lừa đảo đầu tư VA chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên mạng. Đã có những người bị mất hàng chục tỷ đồng vì thiếu hiểu biết khi đầu tư VA.

Thủ đoạn chung mà các đối tượng sử dụng khiến nạn nhân mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo.

Các tên miền mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các nhóm này sẽ chuyển sang một tên miền khác và cho sàn cũ ngừng hoạt động để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho rằng, VA hoạt động và phát triển nhanh ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, sự quản lý yếu kém cũng như những lỗ hổng về mặt pháp lý khiến cho các hoạt động lừa đảo liên quan đến VA bùng nổ.

Lúng túng quản lý

 

Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền của lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Thường trực VBA Phan Đức Trung

Mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023, nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này…

Theo đó, các hoạt động trao đổi, mua bán VA trên các các sàn giao dịch hiện vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào. Điều này đang tạo ra không ít những thách thức đối với việc quản lý loại hình tài sản này.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng Luật TGS chỉ ra, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng dẫn đến hệ quả là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến VA cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Đi kèm với đó là việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên quan tới chuyển nhượng VA.

Đồng thời cũng gây lúng túng cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan Nhà nước áp dụng quy định pháp luật trong một loạt các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh, hình sự, hành chính…

Ngoài ra, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng cộng với nhận thức vẫn còn rất thấp của người dân về VA cũng dẫn đến sự bùng nổ các hoạt động lừa đảo trong thời gian qua.

Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng cần gấp rút xây dựng chính sách điều chỉnh về VA, nhằm bảo đảm pháp luật phù hợp với bối cảnh hội nhập và thông lệ quốc tế, hạn chế các rủi ro phát sinh.

Nhìn ra bất cập này, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, hầu hết các Chính phủ trên thế giới cũng đang lúng túng trong vấn đề quản lý VA.

“Các Chính phủ phải có ứng xử phù hợp vì nếu không sẽ tác động trực tiếp vào chủ quyền quốc gia về tiền tệ. Đó là điều chúng ta cần chia sẻ với các cơ quan quản lý Nhà nước ở Việt Nam, làm sao để có lợi ích Quốc gia tốt nhất, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực” - ông Đỗ Mạnh Quỳnh nhận định.

Đồng Bitcoin. (Ảnh: Coinmarketcap)
Đồng Bitcoin. (Ảnh: Coinmarketcap)

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo

Trước những rủi ro của VA, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Theo đó, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng khung pháp lý.

Điều này cho thấy, ngay từ khi loại hình VA manh nha tại thị trường Việt Nam, Chính phủ đã nhận diện rất sớm những tiềm ẩn rủi ro về mặt pháp lý của loại hình.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã 6 năm trôi qua, những đơn vị được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể để quản lý VA.

Mới đây nhất, ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với VA và các tổ chức cung ứng dịch vụ VA, thực hiện trong tháng 5/2025.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giám sát trong lĩnh vực VA là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc khẩn trương nghiên cứu khung khổ pháp lý cho VA là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh một số nước có những động thái liên quan các loại VA.

“Đây là một vấn đề khó và có nhiều rủi ro liên quan rửa tiền, nhưng không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ trong nghiên cứu chính sách. Cần sớm đề xuất các phương án thí điểm bước đầu, sau đó sẽ cân nhắc đưa ra quy định phù hợp” - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực VBA Phan Đức Trung nhấn mạnh, VA là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Việc cấm VA là không khả thi. Thay vào đó, cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và nhà cung cấp tài sản ảo (VASP) phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực VBA, kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân, cộng đồng và các VASP thông qua việc chủ động đề xuất giải pháp, phối hợp với các cơ quản quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong tiến trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho VA và VASP.

Cụ thể, các VASP cần chủ động triển khai những hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng của mình, chứng minh các quy trình tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai những hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo.

Bên cạnh đó, việc đồng hành cùng các hiệp hội nghề nghiệp như Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế cũng sẽ giúp khẳng định vai trò của VA và VASP trong việc đóng góp vào nền kinh tế đất nước.

 

Để tận dụng nguồn vốn ngoại, Việt Nam từng coi USD như một loại tài sản. Người dân có thể nắm giữ, gửi ngân hàng lấy lãi nhưng không được thanh toán bằng USD. Vì vậy, chúng ta có thể xem xét ứng xử với các loại VA theo cách tương tự.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh