Thị trường toàn cầu chao đảo do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán, hàng hóa thế giới đồng loạt biến động mạnh, đồng Bitcoin giảm kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 24/2 do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.

Chứng khoán châu Á-Âu lao dốc

Theo TTXVN, chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán châu Âu nói riêng đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/2 sau những biến động ở Ukraine.

Chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên ngày 24/2.
Chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên ngày 24/2.

Các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Âu chìm trong “sắc đỏ” khi các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm sau khi Tổng thống Nga Vladmir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine, đẩy căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước lên một nấc mới.

Cụ thể, trong phiên sáng 24/2, chỉ số DAX tại sàn Frankfurt (Đức) giảm 5,2%, chỉ số CAC 40 tại sàn Paris (Pháp) mất 5%, trong khi chỉ số FTSE MIB tại sàn Milan (Italiay) trượt 5,1%. Tương tự, chỉ số EURO STOXX 50 giảm mạnh 5,2%.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng đỏ sàn trong phiên ngày thứ năm. Khép phiên giao dịch 24/2, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hạ 3,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 cũng mất hơn 3%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6% (70,73 điểm), xuống 2.648,80 điểm, khi giới đầu tư phản ứng trước diễn biến mới trong quan hệ Nga-Ukraine.

Tình trạng bán tháo đã xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo của Nhật Bản. Kết quả là chỉ số Nikkei-225 đã giảm xuống dưới 26.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 20/11/2020 và đóng cửa ở mức 25.970,82 điểm, giảm 478,79 điểm (tương đương 1,81%) so với phiên trước đó. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng giảm 23,5 điểm, tương đương 1,25%, xuống còn 1.857,58 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp chỉ số Nikkei-225 giảm điểm, với mức giảm lên tới 5,4% trong giai đoạn này.

Tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm. Quan ngại về trước việc căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã nối dài những tổn thất gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Chốt phiên 24/2, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt lùi 758,72 điểm (3,21%) và 59,19 điểm (1,7%), xuống 22.901,56 điểm và 3.429,96 điểm. Cùng ngày, tập đoàn nước giải khát Coca-Cola HBC thông báo đóng cửa nhà máy ở Ukraine và yêu cầu nhân viên đang làm việc tại nước này ở nhà trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine dâng cao.

Chuyên gia phân tích Ipek Ozkardeskaya của hãng SwissQuote cho rằng các thị trường “đang hoảng loạn”, trong khi giá dầu mỏ cũng đã tăng lên trên 100 USD/thùng do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Bitcoin giảm kỷ lục do căng thẳng Nga-Ukraine

Giá của đồng Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

Trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá của đồng Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua
Trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá của đồng Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua

Việc đồng tiền kỹ thuật số giá trị nhất thế giới này lao dốc đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro hơn. Cụ thể, trong ngày 24/2, đồng Bitcoin giao dịch ở mức 34.324 USD/BTC, giảm 7,9% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/1 vừa qua. Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số lớn khác đang chịu sức ép trong tuần này, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang và các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro.

Các chuyên gia nhận định đà giảm giá của đồng tiền này có thể sẽ không sớm kết thúc. Bitcoin đã mất gần một nửa giá trị kể từ khi đạt mức kỷ lục 68.990 USD/BTC vào tháng 11/2021, do những căng thẳng địa chính trị, khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và những biện pháp hạn chế của một số nền kinh tế lớn đối với các tài sản kỹ thuật số.

Khủng hoảng tại Ukraine đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh

Căng thẳng chính trị gia tăng sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine đang đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Giá dầu lần đầu tiên tăng trên 100 USD/thùng kể từ năm 2014 trong khi giá khí đốt của Anh và Hà Lan cũng tăng 30%-40%. Lo lắng về nguồn cung nhôm từ Nga đã đẩy giá nhôm lên mức cao kỷ lục là 3.449 USD/tấn, tăng 21% từ đầu năm đến nay.

Giá lúa mì tại châu Âu cũng tăng lên mức kỷ lục là 344 euro (384 USD)/tấn trong phiên giao dịch ngày 24/2 trên sàn giao dịch Euronext. Nga và Ukraine lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới, vì vậy cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh hưởng rất lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, Nga cung cấp 10% lượng dầu toàn cầu và khoảng 33% lượng khí đốt của châu Âu. Nga cũng là nước sản xuất chính các mặt hàng hợp kim, niken, bạch kim, uranium, titan, than đá, gỗ và phân bón.

ECB theo dõi sát diễn biến tại Ukraine

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 24/2 cho biết đang theo dõi sát tình hình tại Ukraine, cũng như những tác động của các diễn biến tại đây đối với nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuyên bố của ngân hàng này nêu rõ: "ECB đang theo dõi chặt chẽ các tác động của tình hình tại Ukraine. Ngân hàng sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về triển vọng kinh tế trong cuộc họp vào tháng 3 của hội đồng chính sách, trong đó bao gồm cả những diễn biến địa chính trị gần đây trong khu vực”.

ECB đang "từng bước" giảm nhịp độ Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) - vốn là công cụ chính của ngân hàng này để giúp đỡ các nước thành viên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19. Hiện ECB đang chịu áp lực để đẩy nhanh kế hoạch, mở ra triển vọng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Eurozone đạt 5,1% vào tháng 1/2022, vượt xa mục tiêu 2% mà các ngân hàng nội khối đã đặt ra. Mức lạm phát kỷ lục nói trên một phần không nhỏ là do giá nhiên liệu tăng đột biến sau những căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga, một trong những nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu.

Nhà kinh tế trưởng ECB Philip Lane cho rằng tình hình leo thang ở Ukraine sẽ "không chỉ có tác động đối với giá dầu và khí đốt, mà còn đối với niềm tin của nhà đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng và lĩnh vực thương mại".

Ngân hàng trung ương Nga bắt đầu can thiệp để bình ổn thị trường

Ngân hàng trung ương Nga ngày 24/2 cho biết sẽ có biện pháp can thiệp thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ ruble trong bối cảnh đồng tiền này giảm sâu sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Đồng ruble, trái phiếu và chứng khoán của Nga đều lao dốc, khiến Ngân hàng trung ương tuyên bố đợt can thiệp ngoại hối đầu tiên để củng cố sự ổn định tài chính kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đồng ruble trượt xuống mức thấp kỷ lục chưa từng có 89,60 ruble/USD và gần ngưỡng quan trọng là 100 ruble/euro.

Trước khi căng thẳng địa chính trị gần đây giữa Nga và phương Tây bắt đầu leo thang vào tháng 10/2021, đồng tiền này giao dịch ở mức 70 ruble/USD và 81 ruble/euro. Để ổn định tình hình trên thị trường tài chính, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định bắt đầu can thiệp vào thị trường tiền tệ. Động thái này đã giúp đồng ruble thu hẹp đà giảm.

Ngày 24/2, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng mức bán đồng USD hàng ngày theo hoạt động hoán đổi ngoại hối với các ngân hàng từ mức 3 tỷ USD lên 5 tỷ USD và bán 874 tỷ ruble (10 tỷ USD) trong một cuộc đấu giá repo hàng ngày, nhằm cung cấp thêm thanh khoản cho 300 ngân hàng. Ngân hàng trung ương Nga cũng đã quyết định mở rộng danh sách chứng khoán mà ngân hàng này chấp nhận làm tài sản thế chấp để đổi lấy thanh khoản.  Sberbank - ngân hàng hàng đầu của Nga, cho biết ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường cho đến nay.

Ngoài ra, công cụ khác mà Ngân hàng trung ương Nga “dự phòng” để giảm bớt sức ép đồng ruble đi xuống là lãi suất chủ chốt. Ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ do đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát.

Các thị trường hiện đang chuẩn bị cho tác động của các biện pháp trừng phạt mới và khắc nghiệt của phương Tây nhằm vào Moscow vì cuộc tấn công Ukraine. Theo Renaissance Capital, các lệnh trừng phạt này sẽ rất đáng kể, không giống như các lệnh trừng phạt mềm được áp dụng hôm vào 23-24/2.