Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường Trung Quốc - ''Át chủ bài'' xuất khẩu trái cây

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng, và ước tính năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Thị trường Trung Quốc - ''Át chủ bài'' xuất khẩu trái cây - Ảnh 1

Hiện nay, 12 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Việt Nam có đường biên giới chung với Trung Quốc nhưng trải dài trên 15 vĩ độ xuôi về phía Nam, có những vùng cách xa Trung Quốc tới 2.000km. Được thiên nhiên ưu đãi với 7 vùng nông nghiệp đặc trưng nên trái cây Việt Nam được thụ hưởng những điều kiện tự nhiên tốt nhất, tinh túy nhất từ đất, từ nước, khí trời, bốn mùa đều có những trái thơm ngọt đặc trưng, được ví như “Tứ quý mĩ vị”.

Nhờ những yếu tố tự nhiên và việc tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn canh tác, trái cây Việt Nam đã và đang được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, với sự gần gũi về văn hóa ẩm thực, trái cây Việt Nam đã và đang được đặc biệt yêu thích tại Trung Quốc - Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. 

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Có 12 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch với quy trình kiểm định chất lượng, an toàn nghiêm ngặt sang Trung Quốc.

Một trong những mặt hàng xuất khẩu ấn tượng phải kể đến sầu riêng. Năm 2023, hơn 33.000 tấn sầu riêng của Việt Nam đã được đến với người tiêu dùng Trung Quốc, chiếm 33% thị phần nhập khẩu sầu riêng tại đây chỉ sau 2 năm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Quy trình trồng trọt đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu.
Quy trình trồng trọt đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu.

Trong niên vụ vải vừa qua, đã có 9.200 tấn trái vải tươi với chất lượng tốt nhất được xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó là loại trái cây khác như dừa tươi, dưa hấu, măng cụt, chanh leo… cũng có tốc độ tăng trưởng khá. Nhờ được người tiêu dùng ưa chuộng, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 35,25 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5 tỷ USD).

Không chỉ được đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến cũng được các doanh nghiệp trong nước đầu tư hiện đại nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe nhất từ thị trường.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT, trong các cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cấp cao 2 nước, việc mở cửa thị trường luôn được các nhà lãnh đạo quan tâm, đặc biệt là đối với mặt hàng trái cây nói riêng và nông sản nói chung.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu trái cây.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu trái cây.

Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước của cả 2 quốc gia, cùng với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản đặc biệt là trái cây.

Ông Tuấn cũng cho rằng, người nông dân và doanh nghiệp đã từng bước chuẩn hoá quy trình canh tác, tuân thủ quy định xuất khẩu, đặc biệt là câu chuyện về mã số vùng trồng. Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bài bản, chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm, công nghệ sơ chế, bảo quản, đóng gói.

Được nâng niu từ khi đơm hoa, kết trái và được tuyển chọn kỹ càng khi thu hoạch. Trái cây Việt Nam hôm nay không chỉ là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên, kết tinh từ thành quả lao động chăm chỉ và sáng tạo của nông dân Việt Nam mà còn là sứ giả của nông sản Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Với sự nỗ lực đó, trái cây Việt chắc chắn sẽ có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.