Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc nhiều quốc gia đang tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc là cơ hội để mọi người có việc làm với thu nhập cao, cũng như được trang bị những kiến thức và kỹ năng để phục vụ cho công việc sau khi về nước.

Xúc tiến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp hơn 2 năm qua với sự bùng phát của các biến chủng mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay, việc tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam và các nước, thị trường lao động tại nhiều quốc gia đang có tín hiệu phục hồi.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.

Để chuẩn bị cho việc người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, quốc gia, thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐTB&XH thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.

Bộ LĐTB&XH làm việc với các cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác chuẩn bị nguồn lao động; thủ tục cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ như: Tiêm chủng, hộ chiếu vaccine, bảo hiểm sức khỏe (bao gồm cả dịch bệnh Covid-19).

Để đạt mục tiêu đưa 90.000 NLĐ đi làm việc tại nước ngoài, Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐTB&XH) đang tích cực để hỗ trợ cho NLĐ trong việc cung ứng lực lượng lao động cho các DN tham gia và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hệ thống 63 trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đang rất tích cực tham gia hỗ trợ các DN cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài và phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng lao động ở trong nước.

“Hiện nay có rất nhiều nhu cầu việc làm ở Việt Nam và các nước, rất phong phú. NLĐ có rất nhiều cơ hội lựa chọn làm việc ngay trên quê hương của mình, cũng như những địa bàn, vùng kinh tế phát triển. NLĐ cũng có nhiều cơ hội, kể cả đi học, vừa làm vừa học. Sắp tới sẽ có những chương trình đi thực tập sinh ở nước ngoài; nhu cầu rất nhiều và đa dạng, tùy thuộc vào mong muốn của NLĐ để lựa chọn” - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình cho hay.

Cơ hội làm việc lương cao ở vùng đất mới

Sau hơn 2 năm chờ đợi, đầu năm 2022 thị trường lao động nước ngoài dần mở cửa trở lại là tin vui đối với NLĐ có mong muốn đi làm việc ở vùng đất mới, nhất là những NLĐ đã làm thủ tục và đang chờ ngày xuất cảnh. Đó là Bộ Nhân lực Singapore thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến dưới hình thức visa Work Permit.

Từ đầu tháng 3/2022, Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách nới lỏng hạn chế nhập cảnh. Cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép đăng ký xin phép nhập cảnh trực tuyến (online) qua hệ thống xác nhận sức khỏe người nhập cảnh; rút ngắn thời gian cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh, từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Nhật Bản cũng nâng giới hạn về số người nước ngoài được phép nhập cảnh mới mỗi ngày từ 3.500 người lên 5.000 người/ngày.

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức”, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tuyển chọn 160 ứng viên tham gia Dự án Khóa 4 (năm 2022 - 2023). Tại nước Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng đa khoa.

Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề năm thứ nhất 1.100 EUR/tháng (tương đương 27,5 triệu VNĐ), năm thứ hai là 1.200 EUR/tháng (31 triệu VNĐ) và năm thứ ba là 1.300 EUR/tháng (34 triệu VNĐ). Sau khi tốt nghiệp và được cấp Chứng chỉ quốc gia của Đức, học viên được làm việc, hưởng mức lương như công dân Đức và các chế độ phúc lợi xã hội theo quy định của Luật pháp Đức.

Những ngày gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện ký bản ghi nhớ với các nước để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ LĐTB&XH cũng tiếp tục thúc đẩy ký kết thỏa thuận với các nước để mở rộng thị trường lao động nước ngoài.

Cụ thể, ngày 21/3, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia” với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia Dato’ Amran Mohamed Zin. Nhờ thực hiện hai Bản ghi nhớ trước, đến nay, đã có khoảng 100.000 NLĐ Việt Nam sang làm việc tại Malaysia.

Mới đây nhất, ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Marise Payne ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về hỗ trợ công dân tham gia Chương trình lao động nông nghiệp ở Australia. Theo đó, mỗi năm Australia sẽ tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với mức lương cơ bản từ 3.200 AUD - 4.000 AUD/tháng (52.000.000 VNĐ - 66.000.000 VNĐ/tháng).

Hà Nội sẽ đưa 3.500 người đi xuất khẩu lao động

Đến thời điểm này, thị trường lao động các nước đã dần phục hồi là tín hiệu đáng mừng và khả quan đối với các địa phương có kế hoạch đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết: Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã dần dần mở cửa và đón lực lượng lao động cũng như thực tập sinh. Chúng tôi đã cung cấp thông tin về NLĐ cho các đơn vị, DN hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, NLĐ đã được đào tạo rất bài bản; khi dịch Covid-19 họ chưa đi nước ngoài được. Bây giờ dịch Covid-19 giảm lắng xuống, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu mở cửa thu hút lao động thì chúng tôi tiếp tục tổ chức những khóa đào tạo, huấn luyện để cung ứng. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân cho rằng, năm 2022, TP Hà Nội sẽ cố gắng để đạt được mục tiêu đưa 3.500 lượt NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục có những khảo sát về nhu cầu xuất khẩu lao động của NLĐ trên địa bàn TP để cung ứng nguồn lao động cho các DN; đồng thời, tiếp tục đào tạo cho NLĐ có kỹ năng nghề nghiệp và có trình độ để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN nước ngoài.

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại các DN trong nước và nước ngoài, Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với các quận, huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, online để DN tuyển dụng NLĐ. Khảo sát của phóng viên, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các DN tuyển dụng rất nhiều lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có lao động đi làm việc ở nước ngoài, du học nghề.

Anh Lê Ngọc Hữu phụ trách tuyển dụng của Công ty CP Thương mại phát triển kỹ thuật và nhân lực quốc tế cho biết, trong năm 2022, công ty có nhu cầu tuyển từ 500 - 1.800 lao động đi làm việc ở Nhật Bản.

“Trong thời gian qua, các lao động lo lắng dịch bệnh, phía Nhật Bản tạm ngừng tiếp nhận lao động một thời gian, bây giờ đã mở cửa trở lại thì chúng tôi tuyển dụng lao động sang bên đó làm việc. Chúng tôi sẽ lựa chọn khách hàng tốt để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ” - anh Ngọc Hữu bộc bạch.

 

Cơ hội đi làm việc, thực tập sinh, du học nghề ở nước ngoài đang dần rộng mở, là cơ hội rất tốt cho những ai muốn có kiến thức rộng hơn, trải nghiệm ở vùng đất mới với môi trường làm việc mới và thu nhập cao. Thủ tục đi làm việc ở nước ngoài đơn giản hơn trước đây, chỉ cần NLĐ tốt nghiệp THPT, có sức khỏe tốt, tham gia khóa học ngoại ngữ ở trong nước để đạt tiêu chuẩn thì NLĐ sẽ được bay sang bên kia làm việc và học tập để thay đổi cuộc sống cho bản thân, gia đình và phát triển đất nước.