Ngay tại Hà Nội, con số ca mắc mới trong một ngày có lúc đã lên tới 15.000. Đi kèm với đó là những thông tin về tình trạng quá tải trong xét nghiệm, vướng mắc trong xác nhận, quản lý các F0 điều trị tại nhà và cũng là lúc những cách làm sáng tạo để thích ứng, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin càng cần thiết hơn.
Số ca mắc tăng nhanh, điều đáng mừng là khoảng 97% chỉ ở thể nhẹ và dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhờ tiêm chủng, quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị từ sớm, từ cơ sở… Như tại Hà Nội kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng chỉ ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%. Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ gia tăng F0 đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong những ngày gần đây. Cơ quan, công sở vắng vẻ hơn, nhiều quầy thuốc luôn trong tình trạng xếp hàng đối với các vật tư y tế thiết yếu…
Đặc biệt, hình ảnh những trường hợp tự test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 chen chúc tại trạm y tế để được xét nghiệm khẳng định, hoặc nhiều trường hợp F0 phản ánh liên hệ, thông báo với y tế phường, xã khi phát hiện bệnh rất khó khăn, hay những vướng mắc trong tờ giấy xác nhận để hưởng Bảo hiểm xã hội với đối tượng F0 điều trị tại nhà… khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Từ đó cũng dẫn đến tình trạng người dân “buông”, không báo y tế, tự điều trị theo “kinh nghiệm” truyền tai nhau hoặc trên mạng, vô tình khiến F0 có cơ hội lây lan nhanh hơn.
Nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề đã được thực thi từ huy động thêm nhân lực, đa dạng cách làm…, nhưng chính việc “quá tải” khiến mọi chuyện dường như vẫn rất khó để giải quyết. Hơn thế nữa, mỗi nơi mỗi kiểu trong thực thi, nơi thì yêu cầu người dân phải tự ra điểm test của xã, phường mới được công nhận, nơi thì áp dụng thêm cả cách gián tiếp (thực hiện online)… Rồi tình trạng khỏi bệnh mới nhận được quyết định cách ly; muốn có sự hỗ trợ của y tế nhưng không thể.
Điều đáng nói, từ khó khăn, không ít cách làm sáng tạo đã được triển khai đã giúp đáp ứng được yêu cầu của người dân và giảm áp lực cho lực lượng y tế địa phương. Điển hình như có nơi đã sáng tạo trong việc quản lý F0 tại nhà bằng phần mềm công nghệ.
Theo đó, người dân khi nhiễm Covid-19, không cần phải đến trạm y tế hay gọi điện đến đường dây nóng, chỉ cần khai báo qua phần mềm tại đường link, ngay lập tức, trạm y tế phường sẽ tiếp nhận và giúp cho việc tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh được kịp thời; hoặc áp dụng zalo giúp thăm khám, điều trị F0 thuận lợi hơn.
Thiết nghĩ, với xu hướng hiện nay, việc áp dụng phần mềm quản lý, tư vấn sức khỏe, cấp xác nhận… cho F0 tại nhà tại sao lại không thể nhân rộng nhanh hơn để triển khai, thay vì để người bệnh đã là F0 vẫn phải đi ra đường đến cơ sở y tế để “đợi”. Đây thực sự là một sự thích ứng linh hoạt và là một trong những công cụ quan trọng để giải tỏa bớt nhân lực trực tiếp của cán bộ y tế.
Cùng với đó, việc đề nghị Bộ Y tế xem xét giao cho tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng xác định kết quả dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2, mà không nhất thiết phải nhân viên y tế cũng là vấn đề cần tính đến. Tuy nhiên, để những “công cụ” này hiệu quả, trên hết vẫn cần ý thức của từng người dân, không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0" mà buông xuôi, thả lỏng.
Thích ứng an toàn, quản lý rủi ro có thể hiệu quả phụ thuộc rất quan trọng vào điều này, sẽ giúp cho dịch bớt nóng hơn, tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.