Thiệt hại do tai nạn giao thông lớn hơn thảm họa động đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Số người chết bằng 75% và số người bị thương bằng 150% tổng số nạn nhân thương vong trong vụ động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

Trong báo cáo gửi Quốc hội 2 ngày trước buổi "đăng đàn" đầu tiên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa nhận, tai nạn giao thông thời gian qua diễn biến rất phức tạp, số vụ tai nạn và số người chết vẫn ở mức rất cao.

Riêng 10 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông làm hơn 9.200 người chết, gần 8.400 người bị thương. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông.

"Nếu so sánh với thảm họa kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản hồi đầu năm 2011 thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75%, số người bị thương bằng 156% số nạn nhân do thảm họa sóng thần", ông Thăng so sánh.

Và người đứng đầu ngành giao thông vận tải thừa nhận: "Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu".

Về nguyên nhân tai nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, chủ yếu do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia còn rất kém; cơ sở hạ tầng được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
 
Năm 2003 cả nước có 675.000 ôtô và 11,38 triệu xe máy nhưng hiện con số này là hơn 1,85 triệu ôtô và 33,6 triệu xe máy. So với năm 2003, số ôtô tăng gấp 2,75 lần, xe máy tăng gấp 2,96 lần trong khi hạ tầng giao thông chưa được cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc đào tạo lái xe chưa thật sự nghiêm túc, tình trạng chở quá tải trọng cho phép cũng khiến mất an toàn giao thông.

Theo ông Thăng, trong khi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn rất kém, công tác tuyên truyền ở nhiều nơi còn mang tính phong trào thì việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tinh răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực nên đã gây ra tình trạng nhờn luật.

Trước thực trạng Hà Nội có hơn 120 nút giao thông thường xuyên ùn tắc và TP HCM có 54 vụ ùn tắc kéo dài, Bộ trưởng thừa nhận, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành giao thông còn nhiều hạn chế, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông còn quá thấp, chỉ chiếm 6-7% diện tích đất đô thị.

"Việc di dời các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các trụ sở cơ quan hành chính, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố chưa thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, thậm chí còn tiếp tục cho phép mở rộng các cơ sở trên trong phạm vi trung tâm thành phố", ông Thăng nêu nguyên nhân.

Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng chỉ rõ tình trạng thiếu hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe công cộng; việc triển khai đầu tư các dự án vận tải đô thị khối lượng lớn còn quá chậm; việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân; tình trạng sử dụng đường phố, vỉa hè làm điểm đỗ hoặc làm nơi kinh doanh điểm đỗ vẫn rất phổ biến và gây cản trở giao thông; việc tổ chức giao thông chưa khoa học, chưa phù hợp với thực trạng.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, ùn tắc còn do UBND TP Hà Nội và TP HCM chưa triển khai rộng rãi quy định cấm môtô và xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp; cũng như chưa quyết liệt thực hiện việc nghiên cứu, phối hợp điều chỉnh giờ làm việc. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa được xử lý quyết liệt và thường xuyên.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, Bộ Giao thông đề nghị phải thay đổi căn bản nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thay đổi căn bản nhận thức và ý thức của người dân khi tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc là trách nhiệm của mỗi người dân và của toàn xã hội.

Lấy 2012 là năm "Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn", phát động phong trào vận động toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc, Bộ Giao thông hy vọng hàng năm giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn; đồng thời giảm thiểu các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút ở Hà Nội và TP HCM.
 
Bộ trưởng Thăng cũng đưa ra một loạt giải pháp lâu dài như hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ trọng yếu, mở rộng quốc lộ 1 đủ để tổ chức giao thông một chiều và tách làn ôtô, xe máy; đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam; đầu tư hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên các tuyến quốc lộ và đường đô thị; thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân; nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính...

Về giải pháp cấp bách, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm là biện pháp giáo dục hữu hiệu nhất. Cùng với đó đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi vi phạm hành chính; phát huy tinh thần tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người dân.

Ông Thăng đề nghị tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép, xử phạt cao nhất các hành vi chạy quá tốc độ quy định, đi sai làn đường, chở quá tải hoặc quá số người quy định, dừng, đỗ sai quy định; xử lý vi phạm quy định về thời gian lái xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định; tạm giữ phương tiện do người chưa đủ tuổi điều khiển; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Thăng đề nghị các lực lượng chức năng xử lý tất cả hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố; bố trí lệch giờ làm việc, học tập; tổ chức lại giao thông hoa học, hợp lý như tăng cường tuyến phố phân làn giao thông một chiều, phân tách làn phương tiện, bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt, xây dựng các cầu vượt lắp ghép cho ôtô dưới 3 tấn và xe môtô tại một số nút giao thông chính; cấm taxi, ôtô cá nhân tham gia trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm và trên một số tuyến phố.
 
Năm 2007 xảy ra hơn 14.500 vụ tai nạn giao thông làm gần 13.000 người chết, hơn 10.600 người bị thương. Năm 2008, số vụ tai nạn giảm còn gần 13.000 vụ, làm gần 11.600 người chết, 8.000 người bị thương. Năm 2009, giảm được 390 vụ tai nạn và hơn 200 người thương vong. Tuy nhiên, năm 2010, số tai nạn giao thông tăng gần 1.800 vụ và thêm hơn 2.500 người bị thương.