Thiệt hại lớn từ sự đỏng đảnh của giá dầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự báo của các chuyên gia về chu kỳ rớt giá của dầu, phiên giao dịch đầu năm 2015 đã chứng kiến sự lao dốc của "vàng đen" khi giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng gần 6 năm qua.

Đúng như dự báo của các chuyên gia về chu kỳ rớt giá của dầu, phiên giao dịch đầu năm 2015 đã chứng kiến sự lao dốc của "vàng đen" khi giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng gần 6 năm qua. Sự đỏng đảnh của "vàng đen" một lần nữa cho thấy kinh tế thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ.

“Ngày thứ Hai đen tối” của “vàng đen”

Tiếng chuông mở cửa thị trường với những kỳ vọng vào một năm giao dịch thuận lợi của các nhà đầu tư toàn cầu đã nhanh chóng bị dập tắt bởi giá dầu thô bị bán tháo ồ ạt và chốt phiên ở mức 49,92 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, giá dầu Brent cũng có thời điểm xuống dưới 53 USD/thùng và thiết lập mức giá thấp nhất kể từ tháng 3/2011. Như vậy, cộng dồn các phiên mất giá của dầu từ tháng 6/2014 đến nay, dầu đã mất tới gần 55% giá trị và có khả năng sẽ còn tuột dốc tiếp trong các phiên tới do tình trạng dư cung khó có thể được cải thiện trong thời gian ngắn.

Hiện sản lượng dầu của Nga đã lên mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã, xuất khẩu dầu lửa của Iraq cũng đạt đỉnh 35 năm trong khi Mỹ đã đạt sản lượng khai thác dầu cao nhất trong vòng 30 năm qua. Kho dự trữ dầu của nước này cũng vừa được bổ sung thêm 750.000 thùng hồi tuần trước trong lúc tin tức phát hiện ra dòng dầu tại biển Bắc (Na Uy) đã củng cố thêm niềm tin về sự hình thành chu kỳ xuống giá mới của "vàng đen".
Thiệt hại lớn từ sự đỏng đảnh của giá dầu - Ảnh 1
Khai thác dầu khí đá phiến tại vùng Permian Basin, tiểu bang Texas, Mỹ. Ảnh: NBCNEWS
Theo các nhà phân tích, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định tiếp tục duy trì sản lượng khai thác hiện tại, trong khi các nước châu Âu và Trung Quốc không còn nhiều nhu cầu về dầu do kinh tế giảm tốc là những nhân tố củng cố cho dự báo về chu kỳ giảm giá dầu mới.

Cuộc chiến tranh giành thị phần

Được mệnh danh là "vàng đen" và gắn liền với lịch sử đau thương của các cuộc "chiến tranh dầu mỏ", loại tài nguyên vô giá này tiếp tục khẳng định sức mạnh ghê gớm của mình dưới những biến thể khác nhau 
Sự xuống giá của dầu đã khiến cổ phiếu của những ông lớn trên thị trường khai thác và sản xuất dầu như Exxon Mobil, BP... không chỉ bị bán tháo và mất giá thê thảm. Gần 1.000 tỷ USD bị bốc hơi khỏi nguồn vốn chủ sở hữu của các tập đoàn hàng đầu đã bao phủ sắc đỏ lên các thị trường chứng khoán toàn cầu.
của thuật ngữ "chính trị dầu mỏ", "ngoại giao khí đốt". Không ít người đã hoài nghi khả năng Mỹ và phương Tây hợp tác với đồng minh trong thế giới Ả Rập Saudi để ghìm đà tăng của giá dầu với mục tiêu gây thiệt hại kinh tế, bất ổn về xã hội cho Nga, Venezuela, Iraq. Kế hoạch này dù có thật hay không cũng đã để lại những tác động vô cùng sâu sắc đến các nước OPEC với một cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" để giành thị phần.

Đặc biệt, việc Ả Rập Saudi lần thứ 6 trong vòng nửa năm qua quyết định giảm giá bán dầu cho khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia thành viên OPEC. Các cuộc vận động hành lang của những tập đoàn năng lượng, các chuyến công du con thoi được Tổng thống Nga thực hiện thời gian qua đã mang về cho Moscow những hợp đồng bán dầu tương lai trị giá hàng chục tỷ USD. Tất nhiên để có được nguồn tài chính bù đắp khoản ngân sách đã mất, Nga phải chấp nhận giảm giá cho các khách hàng của mình. Tổng thống Venezuela Maduro ngay trong những ngày đầu năm cũng phải thực hiện chuyến công du kéo dài một tuần tới Trung Quốc và một loạt nước OPEC để thương thảo về các kế hoạch hỗ trợ. Hoạt động tương tự cũng được các nước thành viên OPEC khác thực hiện dưới nhiều hình thức công khai hoặc bí mật và góp phần khẳng định sự nổi lên của "ngoại giao bán hàng", "ngoại giao hợp đồng". 

Trong bối cảnh dư cung sẽ tiếp tục duy trì một thời gian dài do những bất đồng về quyết định giảm sản lượng giữa các nước OPEC, cuộc chiến giành thị phần gay gắt trên thương trường sẽ làm nảy sinh những nghi kỵ trên chính trường. Và rất có thể từ những tuyên bố, cảnh báo ban đầu giữa các quốc gia liên quan đến hợp đồng dầu mỏ sẽ biến thành những đòn trừng phạt, trả đũa về kinh tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao…

Nguy cơ lớn

Các báo cáo gửi đến khách hàng của nhiều tập đoàn tư vấn tài chính toàn cầu đều có chung nhận định là dầu sẽ tiếp tục giảm giá trong ít nhất là nửa năm nữa. Điều này gây ra những quan ngại liên quan đến tình hình “sức khỏe” của các nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu như Nga, Iraq, Venezuela hay một số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi vốn vẫn đang chao đảo trong dư chấn của "Mùa xuân Ả Rập". Con số thiệt hại của Nga thời gian tới có thể sẽ không dừng lại ở 134 tỷ USD, Venezuela sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió hơn.

Ngay tại châu Âu, Na Uy - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất khu vực cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ không nhỏ. Nguồn thu từ dầu mỏ vốn chiếm tới 22% giá trị GDP của Na Uy nên diễn biến của giá dầu trong năm 2014 đã buộc Ngân hàng T.Ư nước này phải cắt giảm lãi suất cơ bản một cách đầy bất ngờ hồi tháng trước. Điều đáng nói là chỉ khi dầu được giao dịch ở mức trên 70 USD/thùng, chính sách tiền tệ của quốc gia Tây Âu này mới không phải chịu áp lực về cắt giảm lãi suất. Vì vậy, với kịch bản dầu giao dịch quanh mức 55 USD/thùng, động thái can thiệp thị trường tài chính sẽ sớm phải thực hiện vào tháng 6 tới để giảm tác động đến nền kinh tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp liên quan đến dầu khí đã phải cắt giảm lao động với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011 với nhiều đồn đoán về tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng, gây áp lực đến ổn định xã hội.

Có lẽ chưa bao giờ thị trường dầu mỏ lại thu hút được nhiều sự quan tâm, theo dõi từ các nhà quản lý, lãnh đạo các tập đoàn đến như vậy để định hình, điều chỉnh các chính sách điều hành, chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Chỉ có điều với sự đỏng đảnh mà "vàng đen" thể hiện thời gian qua, việc các nhà điều hành chính sách, cộng đồng các nhà đầu tư có đủ tài năng và bản lĩnh để đưa ra những quyết sách sống còn với nền kinh tế, doanh nghiệp hay không vẫn còn là câu hỏi chờ lời giải từ giá dầu.