Thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng đấu nối điện mặt trời mái nhà

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hiện vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Đó là nội dung Tờ trình 3158/TTr-EVN về việc “Xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh về điện mặt trời mái nhà” của Tập đoàn này.

Hiện vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà (ảnh minh họa).
Hiện vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà (ảnh minh họa).

Cần có cơ chế ràng buộc

Theo EVN, thời gian qua, EVN và các tổng công ty điện lực, công ty điện lực tại địa phương liên tục nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư và địa phương về việc ngành điện “Tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện trong thời gian chờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương”.

Trong đó, có một số nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức trong nước được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư, quỹ phát triển của Chính phủ các nước, đề nghị được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của các tổng công ty điện lực, công ty điện lực.

Chẳng hạn như, Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam (được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư và quỹ phát triển Chính phủ Na Uy và Phần Lan) kiến nghị tự dùng hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại; Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam thuộc Tập đoàn TORAY Nhật Bản đầu tư điện mặt trời mái nhà tại hệ thống nhà máy của Công ty để tự dùng nội bộ; Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc của 8 sở, ngành và Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do các hệ thống này được lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị ngành điện, nên EVN đánh giá: “Việc không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực từ các chủ đầu tư và của các địa phương. Tuy nhiên ngược lại, nếu EVN chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng, thì có rủi ro do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng”.

Với việc không kiểm soát đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng, EVN nhấn mạnh, có thể gây khó khăn đến việc lập kế hoạch huy động các nguồn điện hiện hữu khác, để đảm bảo cân bằng cung cầu trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là tại khu vực miền Trung, miền Nam, khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng bị sự cố, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ như dự kiến thì cần có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng.

Kiến nghị gỡ khó

Trước thực tế đó, EVN cho biết, Tập đoàn đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không phát lên lưới), tuy nhiên hiện nay, Chính phủ và Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn về vấn đề này.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, EVN cũng đang xin ý kiến Hội đồng thành viên cho phép EVN có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm có quy định cụ thể về cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng, điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật, giám sát đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của các tổng công ty điện lực, công ty điện lực; trong đó, trước mắt xem xét ưu tiên lắp đặt tại khu vực miền Bắc.

EVN cũng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành đồng bộ các quy định quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà… Tờ trình của EVN cũng đưa ra những kiến nghị giải quyết tranh cãi về “Thủ tục đăng ký kinh doanh điện mặt trời mái nhà đối với hộ gia đình, cá nhân”.

Theo đó, các đơn vị ngành điện được yêu cầu thanh toán tiền mua điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng không phải đăng ký, bổ sung ngành, nghề kinh doanh điện mặt trời mái nhà, do có mức thu nhập thấp theo quy định UBND tỉnh, thành trực thuộc T.Ư.

Đồng thời, các đơn vị rà soát, yêu cầu chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà thuộc đối tượng phải đăng ký/bổ sung hoàn thành thủ tục này theo quy định. Trường hợp hết thời hạn yêu cầu mà chủ đầu tư không đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh, thì các tổng công ty điện lực, công ty điện lực tạm thời dừng thanh toán và báo cáo sở, ngành, UBND tỉnh, thành tại địa phương để cùng phối hợp xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần