Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 16/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 92,43 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 15/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2022 đã giảm 2,39 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 93,60 USD/thùng, tăng 0,32 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 2,16 USD so với cùng thời điểm ngày 15/2.
Các chuyên gia nhận định, những lo ngại về tình trạng nguồn cung dầu vẫn chưa được cải thiện, bất chấp tình hình căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt là nguyên nhân đẩy giá dầu hôm nay lấy lại đà tăng.
Dữ liệu thống kê thời gian gần đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang có xu hướng phục hồi mạnh khi các nước đang gỡ dần các lệnh phong toả, hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch.
Các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá cũng đang được thúc đẩy nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hoá, kéo theo giá cả leo thang và lạm phát tăng cao tại nhiều khu vực.
Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3,8 đến 4 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Giá dầu ngày 15/2 tăng mạnh còn do đồng USD mất giá khi Fed vẫn tỏ thái độ thận trọng và chưa có tuyên bố chính thức nào về việc thực hiện lộ trình tăng lãi suất. Ngược lại, nguồn cung dầu vẫn đang bị thắt chặt bởi năng lực sản xuất của các nhà cung cấp dầu thô hạn chế.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức chênh lệch sản lượng thực tế và sản lượng mục tiêu của OPEC+ đã được nới rộng lên 900.000 ngàn thùng/ngày trong tháng 1/2022. Còn theo JP Morgan (Mỹ), con số này của OPEC hiện là 1,2 triệu thùng/ngày.
Trước đó, thị trường dầu thô đã phản ứng mạnh trước thông tin Nga đã rút một số đơn vị ở khu vực gần biên giới Ukraine về căn cứ và kỳ vọng Mỹ sẽ sớm rút các lệnh trừng phạt với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhằm hạ nhiệt giá dầu, điều mà Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp nhiều tháng trở lại đây.