Thâm canh còn hạn chế
Bước sang năm 2014, với việc nhiều địa phương cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, người nông dân có điều kiện yên tâm đầu tư chuyển đổi sản xuất, phát triển NTTS. Thêm vào đó, giá bán sản phẩm thủy sản những tháng đầu năm ổn định và tăng hơn 15% so với năm 2013, trong đó, cá rô phi, cá chép tăng 7.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tình hình phát triển sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn như giá thức ăn cho NTTS tăng 5 - 10% so với năm 2013. "Trong khi đó, đại đa số các hộ dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Nếu không có vốn mà nuôi thủy sản bằng cám công nghiệp là lỗ nặng" - ông Nguyễn Tiến Thịnh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội cho biết.Hiện nay, trên địa bàn TP mới chỉ có một số ít vùng chuyên canh thủy sản như Trung Tú (Ứng Hòa), Vạn Thắng (Ba Vì)... được quy hoạch lâu dài, sản xuất ổn định, năng suất cao. Còn lại ở nhiều nơi, hạ tầng sản xuất như điện, nước gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, vùng NTTS xã Tuy Lai (Mỹ Đức) chưa có hệ thống điện; xã Hoàng Long (Phú Xuyên) có diện tích NTTS lớn (trên 200ha) nhưng mực nước nông. Ngoài ra, quy mô sản xuất ở một số vùng NTTS còn nhỏ lẻ như xã Trung Hòa (Chương Mỹ) chỉ có diện tích 30ha nhưng có tới gần 100 hộ sản xuất...
Một vấn đề đáng băn khoăn nữa là dịch bệnh trên thủy sản dù chưa bùng phát trên diện tích lớn nhưng quy mô rải rác ở nhiều huyện. Trong khi đó, công tác theo dõi phòng, chống và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra
còn chậm. Theo bà Lê Thị Dung - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Thủy sản Hà Nội), nguyên nhân là do lực lượng cán bộ chuyên môn của Chi cục còn mỏng, mỗi trạm mới có 1 - 2 cán bộ phụ trách 4 - 5 huyện, trong khi đa số các huyện chưa có cán bộ chuyên trách thủy sản.
Chưa hình thành chuỗi sản xuất
Tại buổi làm việc với Chi cục Thủy sản Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã nhận định, trong những năm qua, TP rất quan tâm đến việc phát triển NTTS như chính sách, nguồn lực, biên chế... nhưng năng suất thủy sản còn thấp. Quản lý Nhà nước về một số mặt trong lĩnh vực NTTS cũng chưa hiệu quả. Đặc biệt, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản nên người dân chủ yếu tự tiêu thụ. Điều đó dẫn tới thực trạng lợi nhuận của người nông dân thấp mà chủ yếu rơi vào tay thương lái và người cung cấp thức ăn. "Chúng ta cứ hỗ trợ cho người sản xuất, nhưng họ không bán được với giá cao mà lợi nhuận rơi vào tay trung gian" - Phó Chủ tịch UBND TP nêu vấn đề.
Hà Nội hiện đang thiếu trầm trọng các cơ sở chế biến thủy sản. Chính sự thiếu vắng và liên kết lỏng lẻo giữa các "nhà" khiến ngành NTTS vốn còn nhiều hạn chế lại càng thêm khó khăn. Bởi vậy, theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản Hà Nội là tập trung nâng cao năng lực quản lý giống, thức ăn, thuốc thú y để không còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Nhất là, xây dựng các chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ thủy sản với các mô hình hợp tác giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện
|
Theo thống kê, TP có diện tích mặt nước trên 30.000ha, trong đó, diện tích NTTS và khai thác nguồn lợi thủy sản là 20.800ha. Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt 76.000 tấn. |