Mảnh đất giầu tiềm năng
Huyện Mê Linh nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với sự hiện diện hệ thống di tích lịch sử dày đặc về Hai Bà Trưng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 161 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia và 53 di tích cấp thành phố. Trong đó có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đồi 79 Mùa xuân - nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình Hạ Lôi, chùa Trung Hậu, đình Bạch Trữ...
Về di sản văn hóa phi vật thể, Mê Linh được biết tới là quê hương của điệu chèo Xa Mạc, hội vật làng Chi Đông và các làng nghề truyền thống như làng nghề đan lát thôn Nam Cường (xã Tam Đồng), làng nghề làm giò đỗ (xã Tự Lập), làng nghề làm bánh đa nem (xã Tiến Thịnh).
Không chỉ sở hữu thế mạnh về di sản, vùng đất Mê Linh còn được gắn với thương hiệu “vựa hoa phía Bắc”. Hiện Mê Linh có hàng trăm hécta đất trồng đủ loại hoa truyền thống và ngoại nhập, làm nên hình ảnh một vùng đất trù phú.
Thăm quan nhà vườn Tài Lý tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh), chị Nguyễn Thị Kim Dung ở thị xã Sơn Tây chia sẻ, chỉ những người có tay nghề cao, óc thẩm mỹ tốt mới có thể lai ghép các giống hoa để tạo nên những cây hồng bonsai nhiều màu sắc như vậy.
Đặc biệt tại nhà vườn còn chế tác những bông hoa hồng khô nhưng vẫn giữ nguyên mầu sắc hoa, vì vậy gia đình tôi thường về Mê Linh những ngày nghỉ cuối tuần với mục đích kết hợp nghỉ ngơi với du lịch tâm linh và tham quan, mua sắm cây cảnh.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng VH-TT huyện Mê Linh Trần Thị Lan cho biết, Mê Linh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó chú trọng phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tham quan làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE...
Vẫn còn những bất cập cần khắc phục
Mặc dù Mê Linh có nguồn tài nguyên giá trị tự nhiên và văn hóa đặc sắc, tuy nhiên hiện Mê Linh chưa được nhiều du khách biết đến.
Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng cho rằng, hệ thống nhà hàng, dịch vụ ẩm thực của huyện còn phát triển thiếu quy hoạch nên dẫn đến hiện tượng thiếu nhà hàng quy mô lớn phục vụ khách du lịch.
Hạ tầng phụ trợ du lịch như cơ sở mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, bãi đỗ xe quy mô rất nhỏ, thiếu chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Đồng tình với phản ánh này, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng, hiện sản phẩm du lịch của Mê Linh còn thiếu và yếu. Chưa có sự kết nối, hình thành các tour, tuyến ổn định để khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.
“Để khắc phục những bất cập này huyện Mê Linh nên nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đồng thời quy hoạch vùng phát triển du lịch qua đó nâng cấp chất lượng đường giao thông để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển khách”-ông Tuyên kiến nghị.
Để thu hút du khách, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, thời gian tới Mê Linh nên xây dựng những tour mang tính đặc trưng, đặc thù. Cụ thể, xây dựng tour thăm quan khu di tích lịch sử cấp quốc gia đền Hai Bà Trưng theo hướng giáo dục lịch sử và trải nghiệm.
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất một số điểm du lịch từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn phục vụ du khách liên vùng. “Chẳng hạn Mê Linh thu hút nhà đầu tư nâng cấp điểm du lịch đồi 79 Mùa xuân thành Resort 5 sao qua đó phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Mê Linh là một trong những địa phương trồng hoa chủ lực của TP Hà Nội thì có thể xây dựng khu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao kết hợp với dịch vụ giáo dục ngoại khóa”-ông Thắng hiến kế.
Để “đánh thức” tiềm năng du lịch Mê Linh, Phó Chủ tịch Hội du lịch công đồng Việt Nam Lê Thị Thanh Hòa đề xuất, huyện Mê Linh cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến du lịch mang tính dài hạn, định kỳ, liên tục... từ đó quảng bá, giới thiệu tới du khách sản phẩm du lịch của địa phương. Đồng thời định kỳ tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn như lễ hội hoa, lễ hội cây cảnh… hút khách đến với địa phương.
Dưới góc độ chuyên gia du lịch Giám đốc Trung tâm đạo tạo bồi dưỡng và tư vấn du lịch (Đại học Kinh tế quốc dân) Phùng Thị Hằng cho rằng: huyện Mê Linh cần tập trung quy hoạch bố trí quỹ đất để lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch giải trí, cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp trên địa bàn. Hỗ trợ nhà đầu tư theo hướng tạo điều kiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư dự án.
“Huyện nên có kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại khu vực có dự án được phê duyệt từ đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án cũng như khớp nối hạ tầng kỹ thuật”- bà Hẳng hiến kế.
Góp ý của doanh nghiệp, chuyên gia cho thấy, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đi đôi với phát triển du lịch là cách để Mê Linh giữ gìn nét đẹp truyền thống, thu hút du khách đến với huyện qua đó phát triển kinh tế một cách bền vững.