Thịt đỏ "cực độc" với nhóm người nào?

Hà Phương (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thịt đỏ chứa các chất dinh dưỡng quan trọng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, ăn nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Thịt đỏ "cực độc" với nhóm người nào? - Ảnh 1
Ăn nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Thịt đỏ chứa chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe

Các chuyên gia thường phân loại thịt đỏ là thịt cơ từ thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, dê hoặc các động vật có vú trên cạn khác.

Thịt đỏ chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như: Sắt, vitamin B-12 và kẽm. Cơ thể con người cần những chất dinh dưỡng này để sản xuất các tế bào hồng cầu mới.

Thịt đỏ cũng chứa nhiều protein, chất cần thiết cho việc xây dựng cơ bắp, xương, các mô khác và các enzym.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một khẩu phần thịt bò xay chưa nấu chín 100g chứa:

247 calo

19,07g chất béo

17,44g protein

1,97mg sắt

274mg kali

4,23mg kẽm

2,15 microgam vitamin B-12

Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt heme tốt. Sắt heme chỉ có trong thịt, gia cầm và hải sản. Sắt heme được cơ thể hấp thu dễ hơn, tốt cho những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt bao gồm: Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có kinh nguyệt nhiều…

Những nguy cơ khi bạn ăn quá nhiều thịt đỏ

Dinh dưỡng trong thịt đỏ có lợi. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt đỏ lại không tốt và gây nhiều nguy cơ với sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên với một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, một số bệnh ung thư, các vấn đề về thận và tiêu hóa…

Thịt đỏ chưa qua chế biến nhiều nạc như thịt thăn hoặc thăn lợn có thể tốt cho sức khỏe hơn các loại khác. Điều này là do chúng chưa qua chế biến và không chứa dư thừa muối, chất béo hoặc chất bảo quản.

Các loại thịt đỏ đã qua chế biến như: Thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích… dường như có nguy cơ cao nhất về các vấn đề sức khỏe.

Ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên các nước và các dân tộc khác nhau.

Thịt đỏ "cực độc" với nhóm người nào? - Ảnh 2
Những người bệnh tim mạch nên hạn chế tối đa lượng thịt đỏ ăn vào.

6 nhóm người không nên ăn thịt đỏ

- Những người có lượng cholesterol cao: Nếu bạn đã có lượng cholesterol cao, thì việc tiêu thụ thịt đỏ sẽ không giúp mức cholesterol của bạn thấp hơn, và sẽ làm tăng những giá trị xấu đó nhiều hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên những người có hàm lượng cholesterol cao, tốt nhất chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ khoảng 1 hoặc 2 lần một tháng. Hãy lựa chọn phần thịt đỏ tươi nhất như thịt sườn, thịt thăn hoặc thăn lưng là những lựa chọn tốt nhất.

- Những người mắc hội chứng Alpha-gal: Chuyên gia dinh dưỡng Jonathan Valdes - Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng bang New York cho biết: Hội chứng Alpha-gal là tình trạng hiếm gặp trên toàn thế giới. Những người bị hội chứng này thường xuất hiện phản ứng dị ứng thực phẩm mỗi khi ăn thịt động vật, chủ yếu là với thịt đỏ. Ăn thịt đỏ có thể gây phát ban, buồn nôn, nôn, ợ chua, tiêu chảy, ho, giảm huyết áp, đau dạ dày nghiêm trọng và sưng môi, mắt hoặc cổ họng.

- Những người mắc bệnh tim: Một người bị bệnh tim có thể đã tích tụ nhiều mảng bám không lành mạnh trong động mạch và một chế độ ăn gồm chất béo không có lợi như chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa có thể gây ra nhiều mảng bám hơn.

Sự tích tụ mảng bám này, nếu bị thu hẹp hơn nữa, có thể dẫn đến các sự kiện nguy hiểm hoặc gần như tử vong như đột quỵ hoặc đau tim. Vì vậy, những người bệnh tim mạch nên hạn chế tối đa lượng thịt đỏ ăn vào.

- Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối: Người bị bệnh thận giai đoạn cuối (giai đoạn 3-5, không phải chạy thận nhân tạo) nên kiêng ăn thịt đỏ.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn giàu protein khi thận của bạn không hoạt động tốt có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Bạn có thể cần phải giảm lượng protein từ 0,6 - 0,8 gam cho mỗi kg cân nặng tùy thuộc vào chức năng thận của bạn. Nếu mắc phải tình trạng này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để có chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh.

- Những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim: Nếu bạn có một hoặc một vài trong số các yếu tố nguy cơ của bệnh tim như huyết áp cao, cholesterol cao, đái tháo đường, béo phì, ít hoạt động thể chất và / hoặc đang ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh, bạn có thể nên cảnh giác hơn với việc tiêu thụ thịt đỏ. Những người mắc các chứng bệnh này có khuynh hướng phát triển bệnh tim và có nhiều nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe khác hơn. Tốt nhất những người có nguy cơ này nên hạn chế ăn thịt đỏ càng nhiều càng tốt, và thay vào đó tập trung vào việc chọn những phần protein rất nạc, chẳng hạn như ức gà, cá, đậu hoặc đậu lăng.

- Những người có tiền sử gia đình mắc một số bệnh ung thư: Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng ăn thịt đỏ và thịt chế biến thường xuyên có nguy cơ phát triển ung thư ruột kết cao hơn. Một nghiên cứu mới cho thấy thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể gây ra tổn thương di truyền và có thể gây ung thư ruột kết.

Ăn thịt đỏ thế nào để an toàn?

Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa kỳ đã đưa ra khuyến nghị nên tiêu thụ không quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần. Tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350 - 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.

Nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.